Công ty ép người lao động làm 90 tiếng 1 tuần thì người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng cần báo trước không? Công ty đó có bị xử phạt trong trường hợp này không?
Người lao động có quyền gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
- Người lao động có các quyền sau đây:
+ Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
+ Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Đình công;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Công ty ép người lao động làm 90 tiếng 1 tuần thì người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng cần báo trước không?
Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
+ Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
+ Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
+ Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
+ Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, pháp luật không quy định trường hợp nào người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không, chỉ cần tuân thủ quy định về thông báo trước cho người sử dụng lao động như quy định ở trên. Nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì nên thông báo trước với công ty tùy vào loại hợp đồng lao động mà bạn đã ký kết để đảm bảo được quyền và lợi ích của bản thân theo quy định pháp luật về lao động.
Người lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần thông báo không?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
+ Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp làm quá giờ quy định như bạn cung cấp vẫn chưa rõ thông tin nếu không tăng ca thì có đe dọa gì hay không, nếu có thì thuộc trường hợp bị cưỡng bức lao động hoặc nếu không có thì thuộc trường hợp không được đảm bảo về điều kiện làm việc như thỏa thuận. Do đó bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần thông báo cho công ty.
Trường hợp ép người lao động làm 90 giờ một tuần sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
(1) Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
- Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
(2) Căn cứ Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định về làm thêm giờ như sau:
- Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
- Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
+ Phải được sự đồng ý của người lao động;
+ Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
+ Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
(3) Căn cứ Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
+ Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như bạn đã cung cấp công ty trong vòng 3 tháng đã ép người lao động làm 90 giờ một tuần trừ chủ nhật là người lao động phải làm trung bình 15 giờ một ngày. Thời giờ làm việc này đã vi phạm trường hợp làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật. Do công ty bạn là tổ chức nên mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP) có thể bị phạt từ 10.000.000 đến 150.000.000 tùy vào số lượng người lao động bị ép làm trong công ty của bạn theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi dựa trên quy định pháp luật về lao động liên quan đến vấn đề người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời giờ làm việc mà bạn quan tâm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?
- Dự toán và phương pháp xác định chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị theo Thông tư 12/2024 thế nào?
- 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở? Hội đồng an toàn vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chủ chương trình và Ban quản lý chương trình dự án đầu tư công có trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng như thế nào?