Công trình xanh - Green Building là gì? Việc tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình xanh thuộc trách nhiệm của ai?
Công trình xanh - Green Building là gì?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì:
Công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Công trình xanh - Green Building là gì? Việc tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình xanh thuộc trách nhiệm của ai? (Hình từ Internet)
Việc tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình xanh thuộc trách nhiệm của ai?
Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên và công trình xanh:
Công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên và công trình xanh
1. Khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
2. Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển và đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh.
3. Việc phát triển các công trình nêu tại khoản 2 Điều này thực hiện theo chính sách, kế hoạch và lộ trình áp dụng do Thủ tướng Chính phủ quy định.
4. Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh.
Như vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình xanh.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì:
- Công trình hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Building) là công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về hiệu quả năng lượng.
- Công trình tiết kiệm tài nguyên (Resource Efficiency Building) là công trình xây dựng có áp dụng các giải pháp kỹ thuật sử dụng, tiêu thụ tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
09 Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Hoạt động đầu tư xây dựng được định nghĩa tại khoản 20 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng.
Trong đó, theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
09 Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 4 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b, c khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, cụ thể như sau:
(1) Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
(2) Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
(3) Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
(4) Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.
(5) Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
(6) Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định của Luật này.
(7) Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
(8) Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.
(9) Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?