Công chức tham gia chế độ đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước sẽ được hưởng những quyền lợi nào?
- 07 quyền lợi của công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước?
- Công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước có được hỗ trợ kinh phí hay không?
- Công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước được hỗ trợ về thời gian học tập trong trường hợp nào?
07 quyền lợi của công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước?
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1280/QĐ-KTNN năm 2022, 07 quyền lợi của công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước được hưởng như sau:
(1) Được cơ quan bố trí thời gian và hỗ trợ kinh phí theo quy định.
(2) Được xét nâng bậc lương trước hạn đối với công chức, viên chức được cấp bằng học vị tiến sĩ, chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Australia đúng thời hạn hoặc trong thời gian học tập được gia hạn lần thứ nhất.
(3) Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng
- Công chức, viên chức tham gia các lớp/khóa đào tạo, bồi dưỡng do Kiểm toán nhà nước tổ chức: Được khen thưởng theo kết quả của lớp/khóa đào tạo, bồi dưỡng.
- Công chức, viên chức được cấp bằng học vị tiến sĩ, chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Australia trước thời hạn: Được Tổng Kiểm toán nhà nước khen thưởng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
(4) Được ưu tiên trong việc cử tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên nhà nước và cử dự thi nâng ngạch đối với các công chức, viên chức có bằng tiến sỹ, chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Australia.
(5) Trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định đối với đào tạo, bồi dưỡng ở trong hoặc ở nước ngoài dưới 01 tháng; được hưởng 40% lương và các chế độ khác theo quy định đối với đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài có thời gian từ 30 ngày liên tiếp trở lên. Trường hợp công chức, viên chức đi học nước ngoài quá hạn và xin gia hạn thì không được hưởng lương và các chế độ khác trong thời gian gia hạn.
(6) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục.
(7) Công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi và chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi tham gia đào tạo, bỗi dưỡng kiểm toán nhà nước thì công chức, viên chức sẽ nhận được 7 quyền lợi theo quy định trên.
Công chức tham gia chế độ đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước sẽ được hưởng những quyền lợi nào?
Công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước có được hỗ trợ kinh phí hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1280/QĐ-KTNN năm 2022, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng quy định như sau:
* Trường hợp được Kiểm toán nhà nước cử đi học
- Công chức, viên chức được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở trong nước theo quy định tại Điều 26 của Quy chế này và bồi dưỡng lý luận chính trị: Được Kiểm toán nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí, bao gồm cả tài liệu học tập.
- Công chức, viên chức được cử tham gia các khóa đào tạo chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế và các chương trình đào tạo chứng chỉ chuyên ngành quốc tế khác: Được Kiểm toán nhà nước hỗ trợ toàn bộ phí mở tài khoản và phí thường niên hằng năm, tiền học phí, tiền tài liệu, kinh phí thi các môn học lần đầu và phí hội viên, trừ trường hợp được tổ chức tài trợ, cấp học bổng. Quy định chi tiết về việc hỗ trợ phí hội viên sau khi hoàn thành chương trình học và được cấp chứng chỉ tại Phụ lục của Quy chế này.
- Công chức, viên chức được cử tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sỹ theo các chương trình đào tạo sau đại học của Việt Nam: Được Kiểm toán nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo với mức tối đa 50% đối với mỗi công chức, viên chức tùy vào nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được cấp hằng năm của Kiểm toán nhà nước (chỉ hỗ trợ sau khi công chức, viên chức hoàn thành chương trình học và được cấp bằng).
- Công chức, viên chức được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do các dự án, cơ quan, chương trình hợp tác tài trợ: Được thực hiện theo thỏa thuận trong Hiệp định hoặc quy định của tổ chức tài trợ.
* Trường hợp tự liên hệ tham gia các khóa học phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước, được cấp có thẩm quyền đồng ý cử đi học thì được cơ quan xem xét hỗ trợ một phần kinh phí (nếu có nguồn kinh phí hỗ trợ).
Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán nhà nước được hỗ trợ về thời gian học tập trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1280/QĐ-KTNN năm 2022, như sau:
* Công chức, viên chức tham gia đào tạo thạc sĩ:
Được Kiểm toán nhà nước xem xét, tạo điều kiện cho công chức, viên chức học trong giờ hành chính (nếu công chức, viên chức có nhu cầu và được Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp đề nghị).
* Công chức, viên chức tham gia đào tạo tiến sĩ và đào tạo chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế (ACCA, CPA Australia…):
Căn cứ vào kế hoạch công tác của đơn vị và kế hoạch công tác của cá nhân, Kiểm toán nhà nước tạo điều kiện về thời gian cho công chức, viên chức tập trung vào công tác học tập, cụ thể:
- Đối với đào tạo tiến sĩ: Công chức, viên chức được xem xét, tạo điều kiện học trong giờ hành chính đối với một số môn học theo quy định của cơ sở đào tạo; được nghỉ tối đa 02 ngày làm việc khi bảo vệ chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ cấp nhà nước để tập trung cho việc học tập.
- Đối với đào tạo chứng chỉ kiểm toán quốc tế: Được nghỉ tối đa 02 ngày làm việc trước mỗi môn thi để tập trung cho việc ôn tập và thi.
Như vậy, công chức, viên chức tham gia đào tạo thạc sĩ sẽ được tạo điều kiện học tập trong giờ hành chính.
Đối với việc theo học đào tạo tiến sĩ thì sẽ được tạo điều kiện học trong giờ hành chính đối với một số môn theo quy định của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, công chức, viên chức còn được nghỉ tối đa 02 ngày làm việc để bảo vệ chuyên đề.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảo đảm dự thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi áp dụng đối với gói thầu nào? Mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu là bao nhiêu?
- Mỗi xe nâng hàng phải có sổ theo dõi quá trình bảo trì? Yêu cầu của đơn vị bảo trì xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên là gì?
- Thanh tra thuế là gì? Được gia hạn thời hạn thanh tra thuế trong các trường hợp nào theo quy định?
- Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
- Quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền Mẫu 9-KNĐ? Xây dựng, thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên ở chi bộ thế nào?