Có xử phạt vi phạm giao thông thông qua hình ảnh vi phạm được cung cấp bởi người dân hay không?
Có xử phạt vi phạm giao thông thông qua hình ảnh vi phạm được cung cấp bởi người dân hay không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính:
Đối tượng áp dụng
...
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp, tiếp nhận, thu thập, sử dụng dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp.
Theo đó, đối với những hành vi vi phạm giao thông của tổ chức, cá nhân được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được xác định là hành vi vi phạm hành chính theo quy định.
Và, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu thập, xác minh dữ liệu từ tổ chức, cá nhân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông đối với người vi phạm theo quy định.
Như vậy có thể thấy cơ quan chức năng vẫn có quyền tiến hành xử phạt vi phạm giao thông thông qua hình ảnh vi phạm được cung cấp bởi người dân.
Có xử phạt vi phạm giao thông thông qua hình ảnh vi phạm được cung cấp bởi người dân hay không? (Hình từ Internet)
Người dân có thể thu thập hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông bằng những thiết bị nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu được đầu tư, mua sắm, thuê, trang bị từ ngân sách nhà nước và nguồn hợp pháp khác, sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị.
3. Dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (sau đây viết chung là dữ liệu) là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, thông tin, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
Theo đó, người dân có thể sử dụng các thiết bị cá nhân có chức năng ghi âm, ghi hình để ghi lại hình ảnh, thông tin vi phạm hành chính và cung cấp cho cơ quan chức năng để tiến hành xác minh và xử phạt vi phạm.
Người dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm bằng những hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì người dân có thể cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:
- Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;
- Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
- Dịch vụ bưu chính;
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Và, người dân cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm có những quyền sau:
- Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP;
- Bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
- Yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.
Ngoài ra, khi cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm người dân cần phải có trách nhiệm:
- Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP cần liên hệ;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp;
- Hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì còn có những đơn vị Cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập thông tin, hình ảnh từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do người dân cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính sau:
- Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt;
- Phòng Cảnh sát giao thông;
- Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an cấp huyện.
Các đơn vị Cảnh sát giao thông trên sẽ thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để người dân biết cung cấp.
Và, tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh) từ người dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?