Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khi đáp ứng các điều kiện nào?
- Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khi đáp ứng các điều kiện nào?
- Mẫu đơn Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy định như thế nào?
- Khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học bị xử phạt bao nhiêu?
Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khi đáp ứng các điều kiện nào?
Căn cứ Điều 42 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định như sau:
Thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
1. Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bao gồm:
a) Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Cơ sở cứu hộ loài hoang dã;
c) Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử; cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.
2. Cơ sở có đủ các điều kiện sau đây được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học:
a) Diện tích đất, chuồng trại, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về nuôi, trồng, nuôi sinh sản loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
b) Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp;
c) Năng lực tài chính, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học gồm có:
a) Đơn đăng ký thành lập;
b) Dự án thành lập;
c) Giấy tờ chứng minh có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, cứu hộ loài hoang dã, lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền, đăng ký thành lập, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Chiếu theo quy định này, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Diện tích đất, chuồng trại, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về nuôi, trồng, nuôi sinh sản loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;
- Cán bộ kỹ thuật của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học có chuyên môn phù hợp;
- Đủ năng lực tài chính, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học (hình t Internet)
Mẫu đơn Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 25/2016/TT-BTNMT quy định như sau:
Mẫu đơn đăng ký, giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
1. Mẫu Đơn đăng ký thành lập, chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Mẫu dự án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Mẫu giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, mẫu giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BTNMT. Tải về
Khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 50 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các quy định về quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không báo cáo tình trạng loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định.
2. Hành vi nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo phục vụ mục đích thương mại không tuân thủ các quy định của pháp luật thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, khai báo nguồn gốc, lập hồ sơ theo dõi các cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung đã được phê duyệt tại Dự án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học ban hành kèm theo giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học do cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm: điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng; nguồn nhân lực; nguồn lực tài chính; thực hiện các quy trình về: nuôi dưỡng, chăm sóc loài; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền).
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Hoạt động không có giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học do cơ quan có thẩm quyền cấp.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm tại điểm b khoản 5 Điều này.
Như vậy, với hành vi khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý mức xử phạt này chỉ áp dụng với cá nhân. Đối với tổ chức, mức xử phạt sẽ nhân hai cho cùng hành vi khai báo không đúng sự thật các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. (theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết cấu bài kiểm tra để phục hồi điểm giấy phép lái xe theo Thông tư 65/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp nào?
- Cách viết biên bản kiểm phiếu đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm? Cơ sở đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm?
- Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “Thế trận lòng dân” gắn với nội dung gì theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 2030?
- Thuế tự vệ được gia hạn thời hạn áp dụng khi nào? Công thức tính thuế tự vệ theo mức thuế tuyệt đối thế nào?