Có được từ chối khám chữa bệnh đối với người nhiễm HIV hay không? Từ chối khám chữa bệnh đối với nhiễm HIV có bị xử phạt hành chính hay không?
- Quyền được bảo hộ về sức khoẻ của cá nhân được pháp luật quy định như thế nào?
- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện bệnh nhân là người nhiễm HIV hay không?
- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ chối khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV có bị xử phạt hành chính hay không?
Quyền được bảo hộ về sức khoẻ của cá nhân được pháp luật quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể như sau:
Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể
1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
...
Như vậy, mọi cá nhân đều có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ.
Từ chối khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV (Hình từ Internet)
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện bệnh nhân là người nhiễm HIV hay không?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Thực hiện kịp thời và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
5. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
6. Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định trên, một trong những nguyên tắc khám bệnh, chữa bệnh là tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Đồng thời theo khoản 2 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) nghiêm cấm việc chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này.
Dẫn chiếu Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) thì người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau:
1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 của Luật này không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Do đó, việc bệnh nhân là người nhiễm HIV không thuộc trường hợp được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nêu trên. Nên người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện bệnh nhân là người nhiễm HIV.
Trước đây, vấn đề này được tư vấn như sau:
Theo Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ 01/01/2024) quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.
3. Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật
4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
5. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
6. Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.
Như vậy, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ 01/01/2024) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Các hành vi bị cấm
1. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh
…
Các trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ 01/01/2024) như sau:
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Tóm lại, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đối xử bình đẳng, không phân biệt đối với người nhiễm HIV và không được từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ chối khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV có bị xử phạt hành chính hay không?
Theo khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
…
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
b) Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
c) Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật;
d) Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hành nghề;
đ) Cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
e) Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh;
g) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
…
Như vậy, từ chối khám chữ bệnh cho người nhiễm HIV có thể bị xử phạt hành chính lên đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra theo khoản 8 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?