Có được cộng dồn ngày nghỉ hàng tuần của NLĐ sang tháng sau không? Nếu không bố trí ngày nghỉ hàng tuần thì NSDLĐ sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngày nghỉ hàng tuần được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nghỉ hằng tuần như sau:
"1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp."
Mục đích ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động là nhằm giúp cho NLĐ có thời gian tái tạo lại sức lao động đảm bảo cho công việc được thực hiện tốt nhất có thể.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, NSDLĐ phải đảm bảo ngày nghỉ hằng tuần cho NLĐ ít nhất 24 giờ/01 tuần theo quy định tại HĐLĐ hoặc ít nhất 04 ngày/01 tháng nếu vì chu kỳ lao động mà NLĐ không được nghỉ hằng tuần nhằm đảm bảo phục hồi tốt nhất sức khỏe cho NLĐ.
Mặt khác, Bộ luật lao động không có quy định nào cho phép công ty được quyền dồn ngày nghỉ hằng tuần của người lao động vì lý do công ty chưa thể bố trí cho NLĐ được nghỉ đúng quy định pháp luật.
Do đó, việc NSDLĐ dồn 04 ngày nghỉ hằng tuần của một tháng bất kỳ nào đó mà NLĐ chưa được nghỉ sang tháng tiếp theo có thể được xem là không phù hợp với tinh thần của Bộ luật Lao động và có thể phải chịu rủi ro là bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày nghỉ hàng tuần
Nếu đi làm vào ngày nghỉ hàng tuần thì tiền lương của NLĐ là bao nhiêu?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
"1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày."
Nếu vì chu kỳ sản xuất mà công ty không thể bố trí cho NLĐ được nghỉ hằng tuần theo nguyên tắc nêu trên thì công ty phải đảm bảo trả đủ tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ đối với những thời giờ làm thêm mà NLĐ đã làm trong các ngày nghỉ hằng tuần đó (cụ thể là ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm)
Lưu ý, việc bố trí làm thêm giờ phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
Phải được sự đồng ý của người lao động (nghĩa là phải có sự thỏa thuận giữa hai bên, chứ công ty không thể đơn phương yêu cầu người lao động làm thêm giờ được, trừ trường hợp được quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 trong các trường hợp đặc biệt như thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật);
Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng (Lưu ý, theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15, trường hợp sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm thì được sử dụng người lao động làm thêm đến không quá 60 giờ trong 01 tháng);
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp được làm thêm giờ đến không quá 300 giờ/năm.
Không bố trí ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết."
Và mức phạt này là đối với cá nhân còn tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?