Có cần niêm yết công khai nội quy lao động ở nơi làm việc không? Nếu không niêm yết, công khai nội quy lao động thì có bị xử lý gì không?
Có bắt buộc phải ban hành nội quy lao động không?
Tại khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc ban hành nội quy lao động như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.”
Đồng thời, khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về vấn đề này như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.”
Theo quy định trên, doanh nghiệp của bạn vừa thành lập thì phải ban hành nội quy lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng lao động của doanh nghiệp mà bạn lựa chọn hình thức nội quy lao động cho phù hợp. Trường hợp bạn sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản. Trường hợp bạn sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.
Nội quy lao động cần phải có những nội dung chủ yếu gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019, nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động, quy định của pháp luật có liên quan và bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, khi ban hành nội quy lao động bạn nên đảm bảo nội quy lao động của doanh nghiệp có đầy đủ các nội dung như trên. Một nội quy lao động chặt chẽ sẽ giúp bạn duy trì được trật tự trong doanh nghiệp, điều hành mọi hoạt động trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Niêm yết, công khai nội quy lao động
Có cần niêm yết, công khai nội quy lao động ở nơi làm việc không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 118 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về việc niêm yết nội quy lao động như sau:
“4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.”
Ngoài ra, khoản 4 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về vấn đề nay như sau:
“4. Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.”
Theo đó, sau khi ban hành nội quy lao động bạn phải gửi nội quy lao động đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có). Đồng thời, phải thông báo công khai đến người lao động và phải niêm yết những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Nếu không niêm yết, công khai nội quy lao động thì có bị xử lý gì không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo nội quy lao động đến toàn bộ người lao động hoặc không niêm yết những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc."
Như vậy, sau khi ban hành nội quy lao động nếu doanh nghiệp của bạn không tiến hành thông báo công khai đến người lao động hoặc không niêm yết những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc thì doanh nghiệp của bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên là mức phạt được quy định đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?