Có bắt buộc phải đổi căn cước công dân hay không? Dùng bản sao sổ hộ khẩu có công chứng thay cho bản chính để cập nhật thông tin hồ sơ được không?
Có bắt buộc phải đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân hay không?
Về giá trị có hiệu lực của chứng minh nhân dân (CMND), khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
“2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.”
Bên cạnh đó, ĐIều 4 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA cũng quy định về thời hạn sử dụng của CMND như sau:
“CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.”
Như vậy, chứng minh nhân dân được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực, tức ngày 01/01/2016 thì sẽ có hiệu lực 15 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp của bạn, chứng minh nhân dân được cấp vào ngày 25/4/2014 nên sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 25/4/2029.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về những điều kiện đổi căn cước công dân, gồm:
- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
- Khi công dân có yêu cầu.
Do đó, nếu chứng minh nhân dân của bạn vẫn còn giá trị sử dụng, không bị hư hỏng như lem, nhòe, mất góc hoặc bạn cảm thấy không cần thiết, điều kiện hiện tại chưa cho phép thì bạn không bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân.
Cần thiết đem sổ hộ khẩu khi làm căn cước công dân không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA về thu nhận thông tin công dân, sau khi tiếp nhận đề nghị đổi thẻ căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin sẽ tiến hành tìm kiếm thông tin của bạn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ đổi lại thẻ căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin của bạn đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin của bạn đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì cán bộ thu nhận thông tin đề nghị bạn xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ đổi thẻ căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin của bạn chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề cán bộ thu nhận thông tin đề nghị bạn xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ đổi thẻ căn cước công dân.
Do đó, nếu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có thông tin của bạn hoặc thông tin có sự thay đổi, điều chỉnh thì bạn cần chủ động đem theo các giấy tờ pháp lý chứng minh được nội dung thay đổi tương ứng. Trên thực tế thường là sổ hộ khẩu, bởi sổ hộ khẩu là tài liệu có thể xác thực các thông tin về tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú,… của bạn một cách chính xác nhất.
Sử dụng bản sao sổ hộ khẩu có công chứng thay cho bản chính có được không?
Dùng bản sao sổ hộ khẩu khi làm căn cước công dân
Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về giá trị pháp lý của bản sao như sau:
“Điều 3. Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Trên thực tế, thời hạn sử dụng của bản sao được xác định theo thời hạn của giấy tờ được sử dụng để chứng thực. Do đó, bản sao sổ hộ khẩu có công chứng có giá trị sử dụng vô thời hạn, bởi theo quy định tại Luật cư trú 2020, sổ hộ khẩu không có thời hạn sử dụng. Đồng thời, khi tham gia vào các thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước thường sẽ đưa ra yêu cầu đối với bản sao là được công chứng, chứng thực trong vòng 03 đến 06 tháng, tính đến thời điểm sử dụng.
Vì lẽ đó, để đảm bảo có thể sử dụng được bản sao sổ hộ khẩu khi đi đổi căn cước công dân, bạn cần chắc chắn rằng bản sao đó được công chứng trong khoảng từ 03 – 06 tháng, tính đến thời điểm bạn thực hiện thủ tục đổi căn cước công dân.
Như vậy, khi chứng minh nhân dân của bạn vẫn trong thời hạn sử dụng và không rơi vào tình trạng hư hỏng, cần phải làm lại thì bạn không bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó, trường hợp bạn thực hiện thủ tục đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân tại các cơ quan quản lý căn cước công dân, bạn nên đem theo sổ hộ khẩu để đề phòng trường hợp thông tin của bạn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa có hoặc có sự thay đổi. Nếu không có bản chính sổ hộ khẩu, bạn vẫn có thể sử dụng bản sao có công chứng, chứng thực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?