BỘ CÔNG AN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
04/1999/TT-BCA(C13)
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 4 năm 1999
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 04/1999/TT-BCA(C13) NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1999
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/1999/NĐ-CP NGÀY 3 THÁNG 2 NĂM
1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHỨNG MINH NHÂN DÂN
Ngày 3 tháng 2 năm 1999, Chính
phủ đã ban hành Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về
Chứng minh nhân dân (viết tắc là CMND), Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số
quy định của Nghị định trên như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
CẤP CMND
1. Đối tượng được
cấp CMND
Điều 3 Nghị định
số 05/1999/NĐ-CP quy định đối tượng được cấp CMND là những người sau đây:
a- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi
trở lên, cơ sở để tính tuổi theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong hộ khẩu hoặc
giấy khai sinh;
b- Công dân Việt Nam đang cư trú
trên lãnh thổ Việt Nam được hiểu là công dân đó đang sinh sống, làm việc, học tập...
tại một địa chỉ xác định trên lãnh thổ Việt Nam;
2. Đối tượng tạm
thời chưa được cấp CMND bao gồm:
a- Đang chấp hành lệnh tạm giam
tại trại giam, nhà tạm giữ.
b- Đang thi hành án phạt tù tại
trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam;
c- Đang chấp hành quyết định đưa
vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
d- Những người đang mắc bệnh tâm
thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản
thân họ bao gồm người bị bệnh đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần,
cơ sở y tế khác. Những người tuy không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của
cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực
hành vi thì cũng tạm thời chưa được cấp CMND.
Các trường hợp trên sau khi chấp
hành xong các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, được thay
đổi biện pháp ngăn chặn, được trả tự do hoặc khỏi bệnh tâm thần công dân đem
các giấy tờ có liên quan đến Công an cấp huyện làm các thủ tục cấp CMND.
3. Quyền và
trách nhiệm công dân:
a- Công dân được sử dụng CMND của
mình làm giấy tờ tuỳ thân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch. Mọi
công dân phải có trách nhiệm mang theo CMND và xuất trình khi người có thẩm quyền
yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
b- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi
trở lên có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ
tục cấp CMND theo quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP
ngày 3-2-1999.
c- Công dân có trách nhiệm đến
công an cấp huyện để đổi lại CMND trong các trường hợp phải đổi CMND, cấp lại
CMND nếu mất. Đến công an phường, xã trình báo trong trường hợp bị thu hồi
CMND.
d- Những trường hợp mất CMND đã
được cấp lại CMND khác, nếu tìm thấy CMND đã mất thì phải nộp lại cho cơ quan
công an nơi làm thủ tục cấp lại, người nào nhặt được giấy CMND của người khác
phải nộp cho cơ quan Công an. Nghiêm cấm một người sử dụng hai hoặc nhiều CMND.
4. Số và thời hạn
sử dụng của CMND.
CMND có giá trị sử dụng 15 năm.
Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự
thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác
nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.
II. THỦ TỤC CẤP
CMND
1. Cấp mới
CMND.
a- Đối tượng cấp mới gồm: những
công dân chưa được cấp CMND theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP
của Chính phủ và giấy CMND theo Quyết định số 143/CP
ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ.
b- Thủ tục cấp mới CMND.
- Xuất trình hộ khẩu thường trú
(Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa
phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ
vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an
xã, phường, thị trấn;
- Chụp ảnh: ảnh do cơ quan công
an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là
3x4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang
phục tác phong nghiêm túc, lịch sự.
- Kê khai tờ khai cấp CMND (theo
mẫu);
- In vân tay 10 ngón vào chỉ bản,
tờ khai (theo mẫu) hoặc cơ quan Công an thu vân tay 10 ngón qua máy lấy vân tay
tự động để in vào chỉ bản và CMND;
- Nộp lệ phí cấp CMND.
2. Đổi, cấp lại
CMND:
a- Đổi CMND.
Những công dân đã được cấp CMND
mới theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày
3-2-1999 và giấy CMND theo Quyết định số 143/CP
được đổi lại trong các trường hợp sau:
+ Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể
từ ngày cấp;
+ CMND rách, nát, không rõ ảnh
hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;
+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm,
ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm
quyền;
+ Những người đã được cấp giấy
CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển ĐKHKTT trong phạm vi tỉnh, thành phố
mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;
+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng là
những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm
thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.
b- Cấp lại CMND.
Đối tượng cấp lại CMND là những
công dân đã được cấp CMND theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP
ngày 3-2-1999 và giấy CMND theo Quyết định số 143/CP
nhưng bị mất.
c- Thủ tục đổi, cấp lại CMND.
- Đơn trình bầy rõ lý do đổi
CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ
khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
- Xuất trình hộ khẩu thường trú
(Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa
phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ
vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã,
phường, thị trấn;
- Đối với những trường hợp thay
đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết
định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;
- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
- Kê khai tờ khai cấp chứng minh
nhân dân theo mẫu;
- Vân tay hai ngón trỏ có thể in
vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân
tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
- Nộp lệ phí;
- Các trường hợp đổi CMND phải nộp
lại giấy CMND theo Quyết định số 143/CP
ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ (nếu có), CMND đã hết hạn sử dụng, hư hỏng
hoặc có thay đổi nội dung cho cơ quan công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu
chung với hồ sơ.
Những trường hợp mất hồ sơ do thất
lạc, hoả hoạn, bão lụt và các trường hợp bất khả kháng, cơ quan công an phải
thông báo khi công dân đến làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND thì làm thủ tục cấp
mới cho những đối tượng này.
3. Những công
dân đã được cấp giấy CMND theo Quyết định số 143/CP được tiếp tục sử dụng và phải
đổi lại CMND theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP theo kế hoạch thông
báo của Bộ Công an. Thủ tục cấp đổi giấy CMND đã cấp theo Quyết định số 143/CP
áp dụng như các trường hợp đổi CMND quy định tại điểm c mục 2 phần II Thông tư
này nhưng không cần phải làm đơn xin đổi theo quy định.
4. Thủ tục cấp
CMND cho Quân đội và Công an nhân dân.
a- Đối với những công dân trong
biên chế chính thức của Quân đội, Công an nhân dân đang ở tập trung trong doanh
trại, nhà tập thể khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND cũng phải làm
đầy đủ các thủ tục theo quy định chung. Riêng việc xuất trình hộ khẩu thường
trú được thay bằng giấy giới thiệu của cấp có thẩm quyền kèm theo Chứng minh
Quân đội, Giấy chứng nhận Công an.
b- Thẩm quyền cấp giấy giới thiệu
cho công dân là quân nhân và công an nhân dân để làm thủ tục cấp CMND quy định
như sau:
+ Cục trưởng hoặc cấp tương
đương (nếu cấp cho người thuộc biên chế của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng và Bộ Công an).
+ Thủ trưởng Quân khu, Quân
đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Bộ Tư lệnh.
+ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân
sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
+ Giám đốc học viện, Hiệu trưởng
các trường đại học, trung học.
+ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân
sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trưởng Công an quận, huyện, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh.
Người cấp giấy giới thiệu làm thủ
tục cấp CMND phải chịu trách nhiệm cấp đúng đối tượng đã quy định tại điểm a
nêu trên.
5. Nơi làm thủ
tục cấp CMND.
a- Công dân thuộc diện được cấp
CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do công an cấp huyện
nơi đó làm thủ tục cấp CMND.
b- Những công dân đang phục vụ
trong Quân đội và Công an nhân dân (trừ số đang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân
sự) chưa đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình hiện đang ở tập trung trong
doanh trại quân đội, công an thì do Công an cấp huyện nơi đơn vị đóng trụ sở
chính, nhà ở tập thể đó làm thủ tục cấp CMND theo quy định về cấp CMND đối với
quân đội và công an. Trường hợp đã đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình thì
áp dụng như các công dân khác.
6. Thời gian
hoàn chỉnh CMND.
- Thời hạn hoàn chỉnh trả CMND
cho công dân là 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và trong thời hạn 30 ngày (ở các
địa bàn khác) tính từ ngày làm xong thủ tục cấp CMND theo quy định tại phần II Thông
tư này.
III. QUẢN LÝ
CMND
1. Sắp xếp,
lưu trữ, khai thác, quản lý hồ sơ CMND.
Những hồ sơ xin cấp mới, đổi, cấp
lại CMND của từng công dân theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP
được tổ chức sắp xếp, lưu tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
để quản lý.
2. Thu hồi, tạm
giữ CMND.
a- Tại khoản 1 Điều
10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP đã quy định: Công dân bị thu hồi CMND trong các trường
hợp đã có quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt
Nam hoặc đã có quyết định cho phép công dân Việt Nam ra định cư ở nước ngoài,
thì công dân phải báo cho công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường
trú biết. Công an phường, xã, thị trấn phải báo cáo Công an cấp huyện để thu hồi
CMND những trường hợp này, khi thu hồi CMND phải lập biên bản và chuyển về Công
an tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để lưu chung với hồ sơ cấp CMND.
b- Công dân bị tạm giữ CMND trong
các trường hợp: có hành vi vi phạm hành chính phải tạm giữ CMND để ngăn chặn và
bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: có quyết định
tạm giam, quyết định thi hành án phạt tù tại trại giam, quyết định đưa vào trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm
hành chính, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, thi hành án phạt tù, thi hành quyết
định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc Công an cấp
huyện, cấp tỉnh phải tạm giữ CMND của những người này, việc tạm giữ CMND phải
ghi vào biên bản lưu chung hồ sơ thực hiện lệnh hoặc các quyết định đó.
Công dân được trả lại CMND khi
chấp hành xong các biện pháp xử lý nói trên: người có thẩm quyền, cơ quan tạm
giữ CMND trả lại CMND cho họ sử dụng, khi trao trả CMND phải lập biên bản cụ thể.
3. Kiểm tra
CMND.
- Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân
dân và Công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra CMND của công dân.
Việc kiểm tra có thể tổ chức thành từng đợt, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất
theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an các cấp.
4. Phân công
cấp và quản lý CMND.
a- Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh
sát giúp Bộ trưởng thống nhất cấp, quản lý CMND trong toàn quốc gồm:
- Đề xuất Bộ Công an ban hành,
quản lý, hướng dẫn sử dụng các loại biểu mẫu về CMND.
- Hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ
chuyên môn, kiểm tra, thanh tra về cấp, quản lý CMND;
- Tổ chức quản lý và phát hành
CMND trắng;
- Thống kê về cấp quản lý CMND;
- Hợp tác quốc tế những vấn đề
có liên quan về cấp, quản lý CMND;
- Tổ chức cấp CMND cho một số đối
tượng do Bộ Công an quy định và giao hồ sơ cho Công an các địa phương quản lý.
b- Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương:
- Chịu trách nhiệm tổ chức công
tác cấp, quản lý CMND tại địa phương mình:
- Quản lý hồ sơ những công dân
đã được cấp CMND tại địa phương;
- Giải quyết khiếu nại tố cáo về
CMND;
- Thống kê về cấp, quản lý CMND
báo cáo về Bộ Công an;
- Thanh tra kiểm tra về cấp, quản
lý CMND.
c- Công an quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh:
- Tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục
cấp CMND cho công dân;
- Kiểm tra hồ sơ xin cấp CMND và
chuyển hồ sơ về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Nhận giấy CMND đã hoàn chỉnh
trả cho Công an xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức kiểm tra việc sử dụng
CMND của công dân trong phạm vi địa bàn quản lý.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về
CMND.
d- Công an xã, phường, thị trấn
có trách nhiệm:
- Chịu trách nhiệm nắm số người
trong diện cấp CMND tại địa phương;
- Phối hợp với Công an huyện, thị
làm thủ tục cấp CMND cho công dân;
- Nhận CMND từ Công an cấp trên
vào sổ theo dõi và trả cho nhân dân;
- Tổ chức kiểm tra việc quản lý,
sử dụng CMND của công dân trong phạm vi địa bàn quản lý.
- Tuyên tryền hướng dẫn công dân,
tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về CMND.
- Tiếp nhận và giải quyết khiếu
nại, tố cáo về CMND.
IV. XỬ LÝ VI
PHẠM
1. Những trường hợp thuộc đối tượng
được cấp CMND đã được thông báo, nhắc nhở nhưng không đến làm thủ tục lấy CMND
hoặc khi đi lại không mang theo CMND, vi phạm quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này sẽ
bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định số 49/CP ngày 15-8-1996 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
2. Cán bộ, chiến sĩ Công an làm
nhiệm vụ cấp, quản lý CMND có hành vi vi phạm trong việc cấp, quản lý CMND thì
tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất sẽ phải bồi thường.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh
sát có trách nhiệm:
a- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
triển khai, tập huấn Nghị định số 05/1999/NĐ-CP
và Thông tư này;
b- Đề xuất phương án đổi lại
CMND đã cấp theo Quyết định số 143/CP ngày
9-8-1976; thông báo kịp thời cho công dân, các cơ quan tổ chức biết thực hiện.
c- Chủ trì phối hợp các Tổng cục,
đơn vị khác nghiên cứu, triển khai công nghệ cấp chứng minh mới.
d- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra
các địa phương, thực hiện việc sơ kết đánh giá công tác trong toàn quốc.
2. Các Tổng cục, Bộ tư lệnh, đơn
vị trực thuộc Bộ Công an theo chức năng của mình tổ chức triển khai theo Nghị định
số 05/1999/NĐ-CP và Thông tư này.
3. Giám đốc Công an các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo Công an các cấp,
các lực lượng triển khai nghiêm túc, kịp thời Nghị định số 05/1999/NĐ-CP và Thông tư này.
4. Bộ Công an đề nghị các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Thông tư này trong phạm vi địa
phương, đơn vị mình.
5. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 1 tháng 5 năm 1999, thay thế Thông tư số 04/TT ngày 9-8-1976 và Thông tư số
01 ngày 2-3-1985 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Các quy định và hướng dẫn
trước đây của Bộ Công an trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
6. Trong quá trình thực hiện có
gì vướng mắc các địa phương đơn vị cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát) để
có hướng dẫn kịp thời.