Chữ số sử dụng trong kế toán là gì? Áp dụng sai chữ số sử dụng trong kế toán thì có bị xử phạt không?
Chữ số sử dụng trong kế toán là gì?
Theo Điều 11 Luật Kế toán 2015 quy định về chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán như sau:
Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán
1. Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
2. Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
3. Doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài phải chuyển báo cáo tài chính về công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài hoặc sử dụng chung phần mềm quản lý, thanh toán giao dịch với công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài được sử dụng dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ; khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị được đặt dấu chấm (.) và phải chú thích trong tài liệu, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo quy định trên, chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
Chữ số sử dụng trong kế toán (Hình từ Internet)
Áp dụng sai chữ số sử dụng trong kế toán thì có bị xử phạt không?
Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán;
b) Áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán;
c) Áp dụng sai quy định về kỳ kế toán;
d) Áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, người áp dụng sai chữ số sử dụng trong kế toán có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền xử phạt người áp dụng sai chữ số sử dụng trong kế toán không?
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
3. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Bộ Tài chính như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra tài chính
...
3. Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đến 50.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;
d) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Như vậy, Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập với mức phạt tiền cao nhất là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Do người áp dụng sai chữ số sử dụng trong kế toán có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng nên Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền xử phạt người này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?