Chính phủ kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng như thế nào? Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi thao túng giá vàng ra sao?
Chính phủ kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng như thế nào?
Trong thời gian qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Theo Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023, nhằm tránh tình trạng thao túng giá vàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.
Các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp công tác để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi..., bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Chính phủ kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng như thế nào? Mức xử phạt vi phạm đối với hành vi thao túng giá vàng ra sao? (Hình từ Internet)
Hiện nay đã có quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi thao túng giá vàng hay chưa?
Hiện tại trong hoạt động kinh doanh vàng chỉ có một số hành vi vi phạm tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:
- Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
- Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
- Vi phạm các quy định khác tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trên sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a và điểm b khoản 14 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP).
Căn cứ theo các quy định vừa nêu tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì hiện tại chưa có các quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi thao túng giá vàng trong nước.
Tuy nhiên theo Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023 Thủ tướng Chính Phủ đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Cụ thể như sau:
Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Như vậy, trong thời gian tới có thể Nhà nước sẽ ban hành các văn bản mới nhằm bổ sung thêm các quy định về xử phạt đối với hành vi thao túng giá vàng.
Chủ cửa tiệm vàng có quyền tăng giá vàng hay không?
Giá vàng được hình thành dựa trên thị trường, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giá vàng thế giới, cung cầu vàng trong nước, tỷ giá hối đoái, chính sách tiền tệ của Chính phủ,...
Pháp luật cũng chưa có quy định cụ cá nhân hay tổ chức nào có quyền quyết định giá vàng trong nước.
Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP có quy định như sau:
Nguyên tắc quản lý
...
2. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
...
Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NÐ-CP có nêu như sau:
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
...
3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:
a) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
b) Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
c) Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
...
Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh vàng và đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý thị trường vàng, ổn định giá vàng trong nước bằng nhiều biện pháp hiệu quả.
Theo đó các chủ cửa tiệm vàng có thể tăng hoặc giảm giá vàng bán ra dựa trên sự can thiệp, bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước, cung cầu của thị trường và các các chính sách, quy định khác của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?