Căn cứ khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự? Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự?
Căn cứ khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự?
Căn cứ khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng hình sự) cụ thể như sau:
(1) Căn cứ khởi tố vụ án hình sự (Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015):
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.
(2) Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự (Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng hình sự):
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
- Không có sự việc phạm tội;
- Hành vi không cấu thành tội phạm;
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Tội phạm đã được đại xá;
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Căn cứ khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự? Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự? (Hình từ Internet)
Viện kiểm sát có được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm không?
Căn cứ quy định tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.
3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
...
Theo quy định, Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp sau:
- Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
Như vậy, Viện kiểm sát có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm theo quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự được quy định thế nào?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
(2) Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
(3) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.
(4) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết.
(5) Khi phát hiện việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động:
- Tiến hành hoạt động điều tra đúng pháp luật;
- Kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;
- Cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra.
(6) Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra.
(7) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, xử lý nghiêm minh Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng.
(8) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
(9) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để cho thuê phải đáp ứng các yêu cầu xây dựng nào?
- Tất niên là gì? Công ty có nghĩa vụ tặng quà Tết cho nhân viên vào ngày tất niên công ty hay không?
- Tổng hợp bài phát biểu tất niên cuối năm 2025 ấn tượng, hay ý nghĩa? Bài phát biểu tất niên 2025 ngắn gọn?
- Lỗi chạy quá tốc độ đối với xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt như thế nào?
- Nhà nước mua trước nhà ở có bồi thường thiệt hại cho các bên đã ký kết hợp đồng mua bán nhà ở không?