Các quy định về đặt tên, số hiệu đường bộ như thế nào? Khi đặt tên, số hiệu đường bộ cần lưu ý những gì? Ai có thẩm quyền đặt tên, số hiệu đường bộ?
Nguyên tắc đặt tên và số hiệu đường bộ theo quy định của pháp luật là như thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì khi thực hiện việc đặt tên, số hiệu đường bộ thì phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Mỗi tuyến đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu.
- Các tuyến đường bộ xây dựng mới được đặt tên hoặc số hiệu theo quy định của Nghị định này; việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và công tác quản lý đường bộ.
- Điểm đầu, điểm cuối của quốc lộ, đường cao tốc được đặt theo hướng Bắc - Nam hoặc Đông - Tây hoặc từ Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Điểm đầu, điểm cuối của đường tỉnh, đường huyện được xác định theo hướng như quy định đối với quốc lộ hoặc từ trung tâm hành chính tỉnh đến thị xã, thị trấn hoặc từ quốc lộ đến trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm hành chính huyện, thị xã, thị trấn.
- Các đường đã được đặt tên hoặc số hiệu đường bộ và xác định điểm đầu, điểm cuối trước khi Nghị định 11/2010/NĐ-CP có hiệu lực thì giữ nguyên như cũ.
Quy định về đặt tên, số hiệu đường bộ
Việc đặt tên, số hiệu đường bộ được thực hiện như thế nào?
Tùy theo các loại đường bộ mà việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ đó phải tuân thủ theo các quy định khác nhau theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, cụ thể:
*Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ ngoài đô thị
- Tên đường bộ bao gồm chữ “Đường” kèm theo tên đường được đặt tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán;
- Số hiệu đường bộ gồm chữ viết tắt hệ thống đường bộ và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm; Chữ viết tắt của các hệ thống đường bộ như sau:
+ Quốc lộ (QL);
+ Đường cao tốc (CT);
+ Đường tỉnh (ĐT);
+ Đường huyện (ĐH).
Lưu ý: Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể các số tự nhiên cho từng địa phương để đặt số hiệu cho hệ thống đường tỉnh. Trường hợp đặt một số hiệu cho nhiều đường cao tốc, nhiều quốc lộ hoặc nhiều đường tỉnh, đường huyện, đường trong cùng một địa phương thì kèm thêm một chữ cái lần lượt từ B đến Z, trừ đường bộ đầu tiên đặt số hiệu đó.
- Trường hợp tách tỉnh, đường tỉnh đã có đi qua địa phận hai tỉnh mới hoặc trường hợp sáp nhập tỉnh mà đường tỉnh đã có đi qua một tỉnh mới thì giữ nguyên tên hoặc số hiệu, điểm đầu, điểm cuối;
- Đoạn tuyến có nhiều đường bộ đi trùng nhau thì việc đặt tên hoặc số hiệu như sau:
+ Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc một hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu theo đường bộ có cấp kỹ thuật cao hơn;
+ Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc nhiều hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu của đường bộ thuộc hệ thống đường bộ có cấp quản lý cao hơn.
- Tên, số hiệu đường bộ thuộc mạng lưới đường theo Điều ước quốc tế thì sử dụng đồng thời tên, số hiệu trong nước và tên, số hiệu theo Điều ước quốc tế liên quan;
- Đối với đường xã chỉ đặt tên gồm chữ “Đường” kèm theo tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
*Đặt tên hoặc số hiệu đường đô thị
- Số hiệu đường đô thị gồm chữ viết tắt hệ thống đường đô thị (ĐĐT) và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm;
- Đặt tên đường đô thị thực hiện theo Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP quy định đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên được cụ thể như sau:
+ Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt;
+ Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội, là những danh từ chung như Độc lập, Tự do, Dân chủ, Thống nhất, Giải phóng, Đồng khởi…
+ Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng;
+ Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương;
+ Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
Lưu ý: Trong trường hợp những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường.
Thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường bộ thuộc về cơ quan nào?
Thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường bộ được quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, cụ thể:
- Bộ Giao thông vận tải đặt tên, số hiệu đường thuộc hệ thống quốc lộ;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt số hiệu đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh; đặt tên hoặc số hiệu đường thuộc hệ thống đường huyện;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đặt tên đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã.
Bên cạnh đó, người có thẩm quyền đặt tên, số hiệu đường bộ có trách nhiệm công bố tên, số hiệu đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 28 tháng 1 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 28 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy? Tết Âm lịch 2025 được bắn pháo hoa không?
- Tài sản gắn liền với đất bao gồm loại tài sản nào? 02 loại tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ theo quy định mới?
- Thông báo tuyển sinh lớp đào tạo nghề công chứng 2025 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ra sao?
- Hồ sơ dự thầu do ai lập và căn cứ vào đâu để lập? Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì có hủy thầu?
- Mẫu biên bản họp hội đồng quản trị bổ nhiệm tổng giám đốc mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp ở đâu?