Bồi thường thiệt hại do làm mất, hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty như thế nào? Có được sa thải người lao động làm mất, hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty không?
Bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty được quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty được quy định:
Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.
Như vậy, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của công ty sẽ phải bồi thường như sau:
- Trường hợp gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng: Chỉ cần bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương. Số tiền này sẽ được khấu trừ hằng tháng từ tiền lương của người lao động sau khi đã đã nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc và thuế thu nhập cá nhân nhưng tối đa không quá 30% lương/tháng.
- Làm hư hỏng tài sản công ty do cố ý hoặc sơ suất nhưng với hậu quả nghiêm trọng hoặc có giá trị thiệt hại thực tế trên 10 tháng lương tối thiểu vùng: Người lao động bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (dựa vào mức thiệt hại, mức độ lỗi,...) hoặc theo nội quy lao động của công ty.
Bồi thường thiệt hại do làm mất, hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty như thế nào? (Hình từ Internet)
Bồi thường thiệt hại do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty được quy định ra sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Bồi thường thiệt hại
...
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Theo đó, tùy từng trường hợp mà mức bồi thường sẽ khác nhau, thậm chí có trường hợp người lao động còn không cần bồi thường cho công ty.
- Trường hợp có hợp hợp đồng trách nhiệm: Bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
- Do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, sự kiện khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép: Không phải bồi thường (hay nói cách khác được miễn thực hiện trách nhiệm bồi thường).
- Trường hợp còn lại: Bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động.
Có được sa thải người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty không?
Căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:
Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
Theo đó, người lao động sẽ bị sa thải khi có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người sử dụng lao động.
Theo như quy định hiện hành thì chưa có chế định nào giải thích cụ thể thế nào là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, nhưng có thể suy luận thông qua quy định về bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm vật chất tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, thiệt hại không nghiêm trọng sẽ được gắn với giá trị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng. Từ đó có thể suy ra thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại với giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng.
Như vậy, với những hư hỏng về tài sản có giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng, người lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản khai cá nhân Đề nghị bổ sung hưởng chế độ một lần theo Quyết định số 290 mới nhất là mẫu nào?
- Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm?
- Trừ 10 điểm giấy phép lái xe khi nồng độ cồn 2025 ở mức bao nhiêu theo Nghị định 168? Điểm giấy phép lái xe là gì?
- Lỗi không có bảo hiểm xe máy 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Phí bảo hiểm xe máy năm 2025 là bao nhiêu?
- Kiểm định khí thải là gì? Mức phạt không có giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo Nghị định 168 là bao nhiêu?