Bitcoin là gì? Tôi có thể coi Bitcoin như một loại tài sản để sử dụng trong thanh toán được không?
Bitcoin là gì?
Cho tới thời điểm hiện nay, pháp luật vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về Bitcoin. Vậy, Bitcoin là gì? Bitcoin có thể được hiểu là một loại tiền ảo - một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở, không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định. Đây cũng chính là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường Crypto.
Bitcoin được phát hành năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào, với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí,...
Bitcoin là gì?
Bitcoin có được coi là tài sản không?
- Căn cứ Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Vì những đặc thù của Bitcoin chắc chắn nó không phải là vật.
- Căn cứ điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010:
“a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.”
Và căn cứ Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 về đơn vị tiền:
“Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.”
Theo đó chúng ta có thể thấy: Bitcoin không được xem là ngoại tệ, đồng thời không phải là ngoại hối vì bitcoin không được pháp luật Việt Nam công nhận. Vì thế, Bitcoin không được xem là tiền.
- Căn cứ khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010:
“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.”
Theo đó ta có thể thấy được ở thời điểm hiện tại pháp luật Việt Nam không coi Bitcoin là một loại giấy tờ có giá.
- Căn cứ Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định vể quyền tài sản:
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”
Từ thuở ban đầu Bitcoin đã được thể hiện dưới dạng tiền ảo, đơn giản nó không phải là một loại quyền của bất kì chủ thể nào, do đó Bitcoin cũng không phải là quyền tài sản.
Như vậy, căn cứ theo những quy định pháp luật đã được nêu ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định dù Bitcoin là gì, nhưng chắc chắn rằng Bitcoin không phải là một loại tài sản.
Có thể dùng Bitcoin để thanh toán ở Việt Nam không?
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt:
“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.”
Căn cứ Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng nhà nước có nội dung như sau:
“Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.
Theo đó, bitcoin không phải là phương tiện được phép thanh toán trên thị trường. Và ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin để thanh toán ở Việt Nam là không hợp pháp.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi bitcoin là gì, pháp luật nước ta coi Bitcoin như một loại tiền ảo, loại tiền ảo này không phải là tài sản và bất cứ hành vi sử dụng Bitcoin để thanh toán sẽ được xem như hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp và có thể bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trực tiếp bóng đá Việt Nam Myanmar 21 12 AFF Cup 2024? Link xem trực tiếp Việt Nam Myanmar 21 12? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?
- Tổng hợp đề thi viết chữ đẹp lớp 1, 2, 3, 4, 5? Quy định mẫu chữ viết trong trường tiểu học thế nào?
- Mẫu kế hoạch kiểm tra giám sát tổ chức đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp mới nhất? Mọi tổ chức đảng đều bị kiểm tra giám sát kỷ luật đảng?
- Mẫu cam kết của nhà thầu thi công xây dựng công trình? Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng?
- Đất hết thời hạn sử dụng có được thừa kế hay không? Ai có quyền quyết định thời hạn sử dụng đất?