BHXH TP. HCM hướng dẫn kiểm tra quyền lợi Bảo hiểm y tế được hưởng khi đi khám chữa bệnh như thế nào?
BHXH TP. HCM hướng dẫn kiểm tra quyền lợi Bảo hiểm y tế được hưởng khi đi khám chữa bệnh như thế nào?
Ngày 06/11/2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn 6394/BHXH-TST năm 2023 hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
Theo đó, tại Mục 1 Công văn 6394/BHXH-TST năm 2023, BHXH TP.HCM hướng dẫn về việc kiểm tra quyền lợi Bảo hiểm y tế được hưởng khi đi khám chữa bệnh như sau:
Đối với trường hợp chuyển đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP: cơ quan BHXH đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng bảo hiểm y tế nhưng không cấp lại thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia. Người tham gia sử dụng ứng dụng VSSID để kiểm tra quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng theo quy định trên và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cũ hoặc CCCD có gắn chip để đi khám, chữa bệnh, cụ thể:
- Đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% sang 100% đối với người tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc (có mã đối tượng là KC) quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP .
- Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 95% đối với người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (có mã đối tượng PV) quy định tại khoản 19 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
BHXH TP. HCM hướng dẫn kiểm tra quyền lợi Bảo hiểm y tế được hưởng khi đi khám chữa bệnh như thế nào? (Hình từ internet)
Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện thế nào?
Căn cứ Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
2. Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
3. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
4. Người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
5. Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định này.
7. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.
8. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài các thủ tục quy định tại Điều này. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ bảo hiểm y tế, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
Như vậy, hiện nay thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện theo nội dung nêu trên.
Thẻ Bảo hiểm y tế chứa những thông tin gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quy định thẻ Bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, phản ánh được các thông tin sau:
- Thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm: Họ và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc.
- Mức hưởng bảo hiểm y tế
- Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
- Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
- Thời gian tham gia bảo hiểm y tế
- Ảnh của người tham bảo hiểm y tế (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế không có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên, hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn về hiện tượng sống ảo của giới trẻ ngày nay? Bài văn về hiện tượng sống ảo của giới trẻ ngày nay hay nhất?
- Bệnh Alzheimer là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer? Triệu chứng lâm sàng của bệnh Alzheimer là gì?
- Trường đào tạo bồi dưỡng là gì? Trường đào tạo bồi dưỡng của cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ gì?
- Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất ở đâu?
- 02 trường hợp không được gia nhập Hội công chứng viên? Hội viên Hội công chứng viên gồm những ai?