Bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng bị phạt bao nhiêu tiền?
- Bệnh viện quy định phụ nữ mang thai từ 5 tháng mới được ưu tiên khám chữa bệnh có đúng không?
- Bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chánh Thanh tra Sở Y tế có quyền xử phạt bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng không?
Bệnh viện quy định phụ nữ mang thai từ 5 tháng mới được ưu tiên khám chữa bệnh có đúng không?
Bệnh viện quy định phụ nữ mang thai từ 5 tháng mới được ưu tiên khám chữa bệnh có đúng không thì theo Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định:
Nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Thực hiện kịp thời và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
5. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
6. Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định về nguyên tắc trong khám chữa bệnh nêu trên thì ưu tiên khám bệnh chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, pháp luật chỉ quy định ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ có thai, không yêu cầu cụ thể phải mang thai từ tháng thứ mấy mới được ưu tiên.
Như vậy, bệnh viện quy định phụ nữ mang thai từ 5 tháng mới được ưu tiên khám chữa bệnh là không phù hợp theo quy định hiện nay.
Trước đây, căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (Hết hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định như sau:
Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.
3. Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật
4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
5. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
6. Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.
Theo quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh nêu trên thì ưu tiên khám bệnh chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
Theo đó, pháp luật chỉ quy định ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ có thai, không yêu cầu cụ thể phải mang thai từ tháng thứ mấy.
Như vậy, bệnh viện quy định phụ nữ mang thai từ 5 tháng mới được ưu tiên khám chữa bệnh là không phù hợp theo quy định hiện nay.
Không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai (Hình từ Internet)
Bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tôn trọng, không hợp tác với người hành nghề khi khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không tôn trọng quyền của người bệnh theo quy định của pháp luật;
c) Không chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề, trừ trường hợp được quyền từ chối chữa bệnh.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, không hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
...
Đồng thời, theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định thì mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Chánh Thanh tra Sở Y tế có quyền xử phạt bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng không?
Theo khoản 2 Điều 112 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
...
2. Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra y tế, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành y tế có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 104 Nghị định này, các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực y tế theo thẩm quyền của chức danh tương đương được quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 104 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, đoạn mở đầu Khoản này được sửa đổi bởi điểm b, điểm c khoản 28 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định:
Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra
...
2. Chánh Thanh tra các Sở, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; 100.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Và theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định thì thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Theo quy định trên, Chánh Thanh tra Sở Y tế có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh của tổ chức.
Vì vậy, Chánh Thanh tra Sở Y tế có quyền xử phạt bệnh viện không ưu tiên khám chữa bệnh đối với phụ nữ mang thai dưới 5 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn đăng ký thuế trong trường hợp tổ chức lại từ ngày 06/2/2025 theo Thông tư 86 như thế nào?
- Bài viết kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam? Bài viết cảm nhận về Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Quân nhân công tác 19 năm có được miễn môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh không? Đối tượng nào được tạm hoãn?
- Linh vật rắn các tỉnh 2025 mới nhất? Linh vật rắn 2025? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 chính thức ra sao?
- 3 chính sách thôi việc Viên chức được hưởng khi tinh giản biên chế chi tiết được tính thế nào?