Bên vay không có khả năng trả nợ thì chủ nợ có thể làm gì? Khi cho vay bên cho vay nên thực hiện hợp đồng vay nào để hạn chế rủi ro?
Bên vay không có khả năng trả nợ thì chủ nợ có thể làm gì?
Theo Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 và Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 cũng quy định người phải thi hành án có thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. (Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014).
Theo Điều 44a Luật Thi hành án dân sự 2008 (Điều này được bổ sung bởi khoản 18 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án.
Theo đó, về nguyên tắc khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án thì thời điểm đó chưa thể thi hành án và buộc bên vay trả nợ cho bên cho vay (chủ nợ) được. Hiện nay pháp luật không có quy định cưỡng chế buộc họ phải trả nợ khi họ không có khả năng, điều kiện để trả nợ.
Cho nên khi bên vay không có khả năng trả nợ thì chủ nợ và bên vay chỉ có thể tiến hành đàm phán thỏa thuận lại về khả năng trả nợ của bên vay, bằng nhiều phương án khác nhau, ví dụ: gia hạn thời gian trả nợ hoặc giảm nợ. Phương án này có thể được thực hiện trong trường hợp mà bên vay đang gặp khó khăn tài chính và cần thêm thời gian để có khả năng trả nợ hoặc giảm bớt gánh nặng trả nợ cho họ.
Cũng có thể thỏa thuận về việc trích một phần thu nhập của bên vay để trả nợ. Trường hợp này có thể được thực hiện khi bên vay có công việc nhất định và có thu nhập, theo đó các bên có thể thỏa thuận để bên vay trả tiền dần bằng phần thu nhập hằng tháng của họ, tuy nhiên cần lưu ý phần thu nhập còn lại sau khi trích trả nợ dần vẫn bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho họ.
Bên vay không có khả năng trả nợ thì chủ nợ có thể làm gì? (Hình từ Internet)
Bên vay không có khả năng trả nợ thì sau bao lâu Cơ quan thi hành án sẽ phải tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án?
Theo Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 có quy định:
Xác minh điều kiện thi hành án
…
2.Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
…
Theo đó, trong trường hợp người phải thi hành án (bên vay) chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh lại điều kiện thi hành án.
Và sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Khi cho vay tài sản bên cho vay nên thực hiện hợp đồng vay nào để hạn chế rủi ro?
Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ, để đảm bảo bên vay sẽ trả tài sản (trả nợ) thì bên cho vay có thể tham khảo một số biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh.
Khi tiến hành thỏa thuận vay tài sản, các bên có thể xem xét đến việc ký kết hợp đồng vay tài sản có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả tài sản đã vay để tăng cường trách nhiệm của bên vay và đảm bảo khả năng thu hồi của bên cho vay.
+ Hợp đồng vay có cầm cố tài sản
Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
+ Hợp đồng vay có thế chấp tài sản
Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).
+ Hợp đồng vay có bên thứ ba bảo lãnh
Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?