Bắt buộc chữa bệnh có phải là một biện pháp tư pháp? Áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng nào?
Bắt buộc chữa bệnh có phải là một biện pháp tư pháp không?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 2015 về các biện pháp tư pháp như sau:
Các biện pháp tư pháp
1. Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Bắt buộc chữa bệnh.
2. Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Như vậy, bắt buộc chữa bệnh là một trong những biện pháp tư pháp được áp dụng đối với người phạm tội.
Bắt buộc chữa bệnh có phải là một biện pháp tư pháp? Áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng nào? (Hình từ Internet)
Áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 về bắt buộc chữa bệnh như sau:
Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015;
- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù của người phạm tội.
Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
...
8. Khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm.
9. Quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam; quyết định chuyển vụ án, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; hủy bỏ quyết định tách, nhập vụ án.
10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người phạm tội nếu thuộc các trường hợp được nêu ở trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia từ 22/10/2024 gồm những gì?
- Người nước ngoài tại Việt Nam muốn sinh hoạt tôn giáo tập trung cần xin phép không? Hồ sơ đề nghị để sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Việt Nam?
- Chế độ đối với người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Nghị định 141?
- Khẩu hiệu ngày đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024? Khẩu hiệu tuyên truyền ngày đại đoàn kết toàn dân tộc 18 11 2024 thế nào?
- Nhà chung cư bị cháy có bắt buộc phải phá dỡ hay không? Yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà chung cư là gì?