Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe có bồi thường cho người gây tai nạn do nồng độ cồn vượt quá mức quy định không?
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?
- Khi nào bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực hiện bồi thường thiệt hại?
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có bồi thường cho người gây tai nạn do nồng độ cồn vượt quá mức quy định không?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?
Bảo hiểm chỉ bồi thường trong hai trường hợp theo Điều 5 Nghị định 03/2021/NĐ-CP như sau:
"Điều 5. Phạm vi bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
2. Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra."
Theo đó hành vi "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây tai nạn giao thông" như anh cung cấp có thể thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 hoặc cả hai khoản.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe có bồi thường cho người gây tai nạn do nồng độ cồn vượt quá mức quy định không? (Hình từ Internet)
Khi nào bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực hiện bồi thường thiệt hại?
Tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP không giải thích ý nghĩa của cụm từ "Thiệt hại ngoài hợp đồng". Do đó, cụm từ này được hiểu theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."
Theo đó, thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh căn cứ vào hành vi xâm phạm, trong đó hành vi này không phải do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thoả thuận mà do phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản của người thứ ba thì thuộc phạm vi bồi thường của cơ quan bảo hiểm.
Xét đến trường hợp của anh, hành vi gây tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, không phải là hành vi vi phạm hợp đồng, thoả thuận nào, do đó có căn cứ để xác định thuộc trường hợp "thiệt hại ngoài hợp đồng".
Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ chi trả các thiệt hại về "thân thể, tính mạng, tài sản". Do đó, anh xác định nếu hành vi gây tai nạn có gây thiệt hại thuộc một trong ba loại trên thì thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm.
Nếu hành vi gây tai nạn giao thông có làm thiệt hại cho hành khách theo hợp đồng vận chuyển thì cũng thuộc trường hợp bồi thường của bảo hiểm. Anh lưu ý trường hợp này bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường tài sản cho khách hàng.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có bồi thường cho người gây tai nạn do nồng độ cồn vượt quá mức quy định không?
Tại Điều 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định một số trường hợp bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường như sau:
"Điều 13. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
2. Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe Cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
3. Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản Lý Giấy phép lái xe) hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
5. Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.
6. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
8. Chiến tranh, khủng bố, động đất."
Như vậy trường hợp chủ xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây trai nạn thì thuộc trường hợp loại trừ, vì vậy phía bảo hiểm trách nhiệm dân dự của chủ xe cơ giới sẽ không thực hiện bồi thường trong trường hợp này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Đơn đề nghị hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe mới nhất hiện nay? Trường hợp nào hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe?
- Mẫu Quy chế làm việc của chi ủy chi bộ cơ sở mới nhất là mẫu nào? Chi ủy, chi bộ cơ sở họp thường lệ mấy tháng một lần?
- Mẫu sơ yếu lý lịch cá nhân của sáng lập viên thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội? Điều kiện đối với sáng lập viên thành lập quỹ?
- Bảo đảm hoàn thành sắp xếp CBCCVC dôi dư sau 5 năm tinh gọn bộ máy hành chính theo Công văn 7968?
- Thời điểm xuất hóa đơn GTGT hàng xuất khẩu theo Nghị định 123? Xuất khẩu hàng hóa được sử dụng hóa đơn GTGT?