Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam được lập như thế nào? Yêu cầu mở và ghi sổ kế toán phục vụ lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ?
Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 37 Thông tư 177/2015/TT-BTC, bổ sung thêm một số nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cụ thể như sau:
Đơn vị phải trình bày các luồng tiền trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo ba loại hoạt động: Hoạt động BHTG, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo quy định của chuẩn mực "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ":
- Luồng tiền từ hoạt động BHTG là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động BHTG tạo ra thu nhập chủ yếu của đơn vị và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính;
- Luồng tiền từ hoạt động đầu tư là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản cố định và các khoản đầu tư như tiền gửi có kỳ hạn, đầu tư trái phiếu, tín phiếu và các khoản đầu tư khác không được phân loại là các khoản tương đương tiền;
- Luồng tiền từ hoạt động tài chính là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của đơn vị.
Tải về mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới nhất 2023: Tại Đây
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được lập như thế nào?
Về phương phập lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với bảo hiểm gửi Việt Nam được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 37 Thông tư 177/2015/TT-BTC, cụ thể như sau:
* Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động BHTG:
Luồng tiền từ hoạt động BHTG phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến hoạt động BHTG trong kỳ.
- Nguyên tắc lập:
Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào và luồng tiền ra từ hoạt động BHTG được xác định và trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.
- Phương pháp lập các chỉ tiêu cụ thể:
+ Tiền thu từ hoạt động BHTG (Mã số 01)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu (tổng giá thanh toán) trong kỳ do thu tiền phạt của tổ chức tham gia BHTG, thu tiền lãi các khoản đã thực hiện cho vay hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG trước ngày 01/01/2013 và các khoản thu hoạt động khác (như thu cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo nghiệp vụ BHTG, thu khác), kể cả các khoản tiền đã thu từ các khoản nợ phải thu về tiền phạt của tổ chức tham gia BHTG, tiền lãi và thu hoạt động khác phát sinh từ các kỳ trước nhưng kỳ này mới thu được tiền và số tiền ứng trước của người mua dịch vụ.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ, tiền thu hồi các khoản tiền gửi có kỳ hạn, thu hồi trái phiếu, tín phiếu hoặc các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản tiền thu khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư; các khoản tiền thu được do đi vay, nhận vốn góp của chủ sở hữu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần thu tiền), sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết thu tiền phạt của tổ chức tham gia BHTG, thu lãi các khoản cho vay và tiền thu từ cung cấp dịch vụ chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả), sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 511, 131 (chi tiết các khoản thu cung cấp dịch vụ, tiền phạt của các tổ chức tham gia BHTG và các khoản tiền lãi thu tiền ngay, số tiền thu hồi các khoản phải thu hoặc thu tiền ứng trước trong kỳ).
+ Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ (Mã số 02)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả trong kỳ do mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho hoạt động BHTG, kể cả số tiền đã thanh toán các khoản nợ phải trả hoặc ứng trước cho người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ, quản lý BHTG.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ, XDCB (kể cả chi mua nguyên, vật liệu để sử dụng cho XDCB), tiền chi gửi tiền có kỳ hạn, mua trái phiếu, tín phiếu hoặc mua các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản tiền chi khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư; các khoản tiền chi trả nợ gốc vay, trả lại vốn góp cho chủ sở hữu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần chi tiền), sổ kế toán các tài khoản phải thu và đi vay (chi tiết tiền đi vay nhận được hoặc thu nợ phải thu chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả), sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 331, các tài khoản phản ánh hàng tồn kho, TK 631, TK 642. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Tiền chi trả lương và các khoản khác cho công nhân viên (Mã số 03)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả cho người lao động trong kỳ báo cáo về tiền lương, tiền công, phụ cấp, tiền thưởng... do đơn vị đã thanh toán hoặc tạm ứng.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (chi tiết tiền trả cho người lao động), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 334 (chi tiết số đã trả bằng tiền) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Tiền lãi vay đã trả (Mã số 04)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền lãi vay đã trả trong kỳ báo cáo, bao gồm tiền lãi vay phát sinh trong kỳ và trả ngay kỳ này, tiền lãi vay phải trả của các kỳ trước đã trả trong kỳ này, lãi tiền vay trả trước trong kỳ này.
Chỉ tiêu này không bao gồm số tiền lãi vay đã trả trong kỳ được vốn hóa vào giá trị các tài sản dở dang được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Trường hợp số lãi vay đã trả trong kỳ vừa được vốn hóa, vừa được tính vào chi phí tài chính thì kế toán căn cứ tỷ lệ vốn hóa lãi vay áp dụng cho kỳ báo cáo theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” để xác định số lãi vay đã trả của luồng tiền từ hoạt động BHTG và luồng tiền hoạt động đầu tư.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền chi trả lãi tiền vay); sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền trả lãi vay từ tiền thu các khoản phải thu) trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 335, 635, 242 và các tài khoản liên quan khác. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Tiền thu phí BHTG (Mã số 05)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền phí BHTG đã thu trong kỳ, kể cả các khoản phí BHTG đã thu phát sinh từ các kỳ trước nhưng kỳ này mới thu được tiền.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần thu tiền), sổ kế toán TK 1311 (chi tiết tiền thu phí BHTG chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 1311 (chi tiết các khoản phí BHTG thu tiền ngay, số tiền thu hồi các khoản phí BHTG phải thu hoặc phí BHTG nộp thừa).
+ Tiền chi trả BH (Mã số 06)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã chi trả BH cho người gửi tiền trong kỳ, kể cả số tiền BH đã trả cho các khoản tiền BH phải chi trả cho người gửi tiền trong các kỳ trước.
Nếu đơn vị tự chi trả tiền BH cho người gửi tiền, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần chi tiền), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 3311.
Nếu đơn vị giao cho các đơn vị nhận ủy thác chi trả BH cho người gửi tiền, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là chênh lệch giữa số tiền đã giao cho các đơn vị nhận ủy thác để chi trả tiền BH và số tiền nhận về từ các đơn vị nhận ủy thác chi trả tiền BH do các khoản tiền BH không có người nhận, số tiền đã giao cho các đơn vị nhận ủy thác được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (phần chi tiền), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 1382 trong kỳ báo cáo. Số tiền nhận về từ các đơn vị nhận ủy thác được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (phần thu tiền), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 1382 (Chi tiết các khoản tiền chi trả BH không có người nhận) trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Tiền thu hoạt động khác (Mã số 07)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu từ các khoản khác từ hoạt động BHTG, ngoài khoản tiền thu từ hoạt động BHTG và thu phí BHTG được phản ánh ở Mã số 01 và Mã số 05, như: Tiền thu từ khoản thu nhập khác (tiền thu về được bồi thường, được phạt, tiền thưởng và các khoản tiền thu khác...); Tiền thu được do nhận ký quỹ, ký cược; Tiền thu hồi các khoản đưa đi ký cược, ký quỹ; Tiền thu từ nguồn kinh phí dự án (nếu có); Tiền được các tổ chức, cá nhân bên ngoài thưởng, hỗ trợ;...
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 711, 141, 244 và sổ kế toán các tài khoản khác có liên quan trong kỳ báo cáo.
+ Tiền chi hoạt động khác (Mã số 08)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã chi cho các khoản khác, ngoài các khoản tiền chi liên quan đến hoạt động BHTG trong kỳ báo cáo được phản ánh ở Mã số 02, 03, 04, 06 như: Tiền chi bồi thường, bị phạt và các khoản chi phí khác; Tiền nộp các loại thuế; Tiền nộp các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất; Tiền nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ; Tiền chi đưa đi ký cược, ký quỹ; Tiền trả lại các khoản nhận ký cược, ký quỹ, tiền chi trực tiếp bằng nguồn dự phòng phải trả; Tiền chi trực tiếp từ quỹ khen thưởng, phúc lợi; Tiền chi trực tiếp từ các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu; Tiền chi trực tiếp từ nguồn kinh phí dự án,...
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 811, 161, 244, 333, 338, 344, 352, 353 và các TK liên quan khác. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động BHTG (Mã số 20)
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động BHTG” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động BHTG trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu từ Mã số 01 đến Mã số 08. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (...).
Mã số 20 = Mã số 01 + Mã số 02 + Mã số 03 + Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06 + Mã số 07 + Mã số 08.
Về cách lập các hoạt động khác của BHTG bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 37 Thông tư 177/2015/TT-BTC.
Có những yêu cầu nào về mở và ghi sổ kế toán phục vụ lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 37 Thông tư 177/2015/TT-BTC, quy định cụ thể như sau:
- Sổ kế toán chi tiết các tài khoản phải thu, phải trả, hàng tồn kho phải được theo dõi chi tiết cho từng giao dịch để có thể trình bày luồng tiền thu hồi hoặc thanh toán theo 3 loại hoạt động: Hoạt động BHTG, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Ví dụ: Khoản tiền trả nợ cho nhà thầu liên quan đến hoạt động XDCB được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, khoản trả tiền nợ người bán cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động nghiệp vụ, quản lý BHTG được phân loại là luồng tiền từ hoạt động BHTG.
- Đối với sổ kế toán chi tiết các tài khoản phản ánh tiền phải được chi tiết để theo dõi các luồng tiền thu và chi liên quan đến 3 loại hoạt động: Hoạt động BHTG, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính làm căn cứ tổng hợp khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ví dụ, đối với khoản tiền trả ngân hàng về gốc và lãi vay, kế toán phải phản ánh riêng số tiền trả lãi vay là luồng tiền từ hoạt động BHTG hoặc hoạt động đầu tư và số tiền trả gốc vay là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
- Tại thời điểm cuối niên độ kế toán, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, đơn vị phải xác định các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ ngày mua thỏa mãn định nghĩa được coi là tương đương tiền phù hợp với quy định của Chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” để loại trừ ra khỏi luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Giá trị của các khoản tương đương tiền được cộng (+) vào chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc giáng sinh ý nghĩa cho sếp hay? Lời chúc giáng sinh giành cho đồng nghiệp? Giáng sinh người lao động có được nghỉ?
- Quy trình kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp như thế nào? Mục tiêu của kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp là gì?
- Lời chúc 22 12 ý nghĩa kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
- Việc lập, lưu trữ, bàn giao và quản lý hồ sơ nhà ở được quy định thế nào? Nội dung quản lý, sử dụng nhà ở?
- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy là gì? Hàng hóa chưa được lắp ráp được nhập khẩu thành nhiều chuyến hàng thì có cùng xuất xứ không?