Áp dụng 03 chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính?
Chứng quyền có bảo đảm có phải đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng?
Chứng quyền có bảo đảm là chứng quyền mua dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu Châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền (sản phẩm được quy định tại Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước- sau đây gọi tắt là chứng quyền).
Theo quy định tại Mục 1 Công văn 1468/BTC-CST năm 2018, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau về thuế giá trị gia tăng:
Căn cứ quy định tại điểm c, điểm d, điểm g khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì các hoạt động liên quan tới chào bán, niêm yết, giao dịch, tạo lập thị trường, kinh doanh chứng khoán, bù trừ, thanh toán chứng quyền thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Như vậy, chứng quyền có bảo đảm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Áp dụng 03 chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính? (Hình từ Internet)
Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chứng quyền có bảo đảm?
Căn cứ theo Mục 2 Công văn 1468/BTC-CST năm 2018, về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chứng quyền có bảo đảm, Bộ Tài chính hướng dẫn 03 nội dung sau:
* Đối với doanh nghiệp trong nước
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 2 Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC, trường hợp trong kỳ tính thuế doanh nghiệp (bao gồm công ty chứng khoán phát hành chứng quyền và nhà đầu tư là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam) có thu nhập từ chứng quyền có bảo đảm (thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, chào bán và thanh toán chứng quyền, hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro của chứng quyền có bảo đảm) thì khoản thu nhập này doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế TNDN với mức thuế suất 20% theo quy định.
Khoản chênh lệch tăng/giảm do đánh giá lại chứng quyền có bảo đảm và tài sản cơ sở cuối năm tài chính, doanh nghiệp không tính vào thu nhập/chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
* Đối với tổ chức nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (nhà thầu nước ngoài)
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nhà thầu nước ngoài có thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Trong đó, cách tính giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần áp dụng tương tự như cách tính thuế TNCN tại điểm 3 Công văn 1468/BTC-CST năm 2018.
Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chứng quyền có bảo đảm?
Căn cứ theo Mục 3 Công văn 1468/BTC-CST năm 2018, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chứng quyền có bảo đảm được hướng dẫn thực hiện theo 03 nội dung sau:
* Trường hợp trước ngày đáo hạn, nhà đầu tư chuyển nhượng chứng quyền
Do chứng quyền có bảo đảm được giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở nên khi chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền sẽ áp dụng thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán, được xác định bằng giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần nhân (x) với thuế suất 0,1%. Trong đó:
Giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần là giá khớp lệnh chứng quyền trên Sở giao dịch chứng khoán nhân (x) Số lượng chứng quyền.
* Trường hợp trước ngày đáo hạn, chứng quyền bị hủy niêm yết
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền được xác định bằng giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần nhân (x) với thuế suất 0,1%.
Theo quy định tại điểm a, b, điểm e khoản 1 Điều 9 Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm thì giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm là:
+ Giá mua lại theo mức giá thị trường của tổ chức phát hành thông qua hoạt động tạo lập thị trường nhân (x) số lượng chứng quyền (trước ngày hủy niêm yết có hiệu lực); hoặc
+ Giá thanh toán chứng quyền do tổ chức phát hành công bố nhân (x) số lượng chứng quyền (sau ngày hủy niêm yết có hiệu lực).
Giá thanh toán của chứng quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 107/2016/TT-BTC.
* Tại thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền
Do hiện hành mới quy định thực hiện quyền chuyển giao bằng tiền nên thời điểm phát sinh thu nhập là thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền. Tại thời điểm thực hiện quyền chuyển giao bằng tiền, thu nhập của nhà đầu tư áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần. Trong đó, giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần bằng giá thanh toán của chứng khoán cơ sở nhân (x) (Số lượng chứng quyền chia (:) cho Tỷ lệ chuyển đổi).
Giá thanh toán của chứng khoán cơ sở do Sở giao dịch chứng khoán công bố theo quy định tại Điều 14 Thông tư 107/2016/TT-BTC.
Trên đây là nội dung hướng dẫn chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm, xem thêm thời điểm xác định thu nhập tính thuế và khấu trừ thuế tại: Công văn 1468/BTC-CST năm 2018.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp trọn bộ danh mục mẫu báo cáo thống kê ngành tư pháp chia theo lĩnh vực chi tiết chuẩn Thông tư 03?
- Mẫu báo cáo thành tích công đoàn 2024 dành cho tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Giỏi việc nước đảm việc nhà 2024?
- Pháp điển là gì? Bộ pháp điển là gì? phapdien moj Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển cụ thể thế nào?
- Mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Văn hóa thể thao 2024? Tải mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở ở đâu?
- Thông tư 27/2024 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hồ sơ đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đầu tư công trình năng lượng?