05 hành vi sử dụng thông tin số bị nghiêm cấm? Mức xử phạt hành vi sử dụng thông tin số để vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân?
05 hành vi sử dụng thông tin số bị nghiêm cấm?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006 thì 05 hành vi sử dụng thông tin số bị nghiêm cấm bao gồm:
(1) Sử dụng thông tin số nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
(2) Sử dụng thông tin số nhằm mục đích kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
(3) Sử dụng thông tin số nhằm mục đích tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
(4) Sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
(5) Sử dụng thông tin số nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
05 hành vi sử dụng thông tin số bị nghiêm cấm? Mức xử phạt hành vi sử dụng thông tin số để vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt hành chính hành vi sử dụng thông tin số để vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;
b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
...
Và căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp tổ chức có hành vi sử dụng thông tin số để vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân thì mức xử phạt hành chính được áp dụng là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt hành chính áp dụng đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng thông tin số hay không?
Tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng thông tin số hay không thì căn cứ Điều 15 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định về quản lý và sử dụng thông tin số như sau:
Quản lý và sử dụng thông tin số
1. Tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng thông tin số vào mục đích chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm việc truy nhập và sử dụng thuận lợi thông tin số.
3. Việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số phải bảo đảm không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Tổ chức, cá nhân không được trích dẫn nội dung thông tin số của tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp chủ sở hữu thông tin số đã có cảnh báo hoặc pháp luật quy định việc trích dẫn thông tin là không được phép.
5. Trường hợp được phép trích dẫn thông tin số, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nêu rõ nguồn của thông tin đó.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có quyền tự do sử dụng thông tin số. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin số phải được thực hiện vào mục đích chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?