Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 02/BC-LĐTBXH năm 2024 sơ kết 03 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm, hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: 02/BC-LĐTBXH Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Người ký: Nguyễn Thị Hà
Ngày ban hành: 03/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2024

BÁO CÁO

SƠ KẾT 3 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2020-2025

Ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch hành động). Ngày 28/4/2023 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn1 đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch hành động và xây dựng phương án, tổ chức đánh giá tại 03 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp với nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em; nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội; Quốc hội lần đầu tiên thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

I. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

1. Ngay sau khi Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 406/QĐ-LĐTBH ngày 10/4/2020 về việc Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung được giao; hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản chỉ đạo và tổ chức các hội thảo hướng dẫn triển khai công tác trẻ em2 (trong đó có nội dung Kế hoạch hành động) đến các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và địa phương.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương kịp thời, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.

2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động: (i) Bộ Công an đã ban hành kế hoạch số 137/KH-BCA-C02 ngày 25/3/2020 về việc triển khai Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công an các đơn vị và địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; (ii) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 987/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2020 về Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; (iii) 63/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động3.

3. Cùng với triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp và các chương trình, đề án phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, trường học, trên môi trường mạng và cộng đồng; ban hành 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ và tăng cường các giải pháp, nguồn lực thực hiện các nội dung và mục tiêu của Kế hoạch hành động. Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em ban hành 01 Công điện yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thuộc tỉnh, thành phố tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

II. Tình hình thực hiện hoạt động, giải pháp của Kế hoạch hành động

1. Công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Công tác xây dựng văn bản, hoàn thiện thể chế về phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo; các bộ, ngành đã chủ động rà soát, xây dựng, ban hành và tham mưu trình ban hành văn bản về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-20304, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20305.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan tham gia xây dựng 05 Luật, Nghị quyết6,15 Nghị định, 03 Nghị quyết7 có liên quan tới phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong năm 2022, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều điểm mới, tiến bộ về việc hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Phối hợp với các cơ quan tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 03 Pháp lệnh8 có liên quan tới bảo vệ trẻ em góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng và ban hành 14 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan về bảo vệ trẻ em, nhất là quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi9; hướng dẫn Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục10.

Các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ học phí, giảm nghèo, trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị bạo lực, xâm hại11.

(Phụ lục I, II)

2. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội; trọng tâm là đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em.

Tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống cơ sở truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã; biên soạn tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em12; sản phẩm truyền thông mẫu13; hàng năm triển khai Tháng hành động vì trẻ em14. Truyền thông trên mạng xã hội, tin nhắn của các nhà mạng viễn thông, trong các cơ sở giáo dục; trên sách giáo khoa và các ấn phẩm dành cho người học, giáo viên; trong hệ thống thang máy và bên ngoài các tòa nhà cao tầng, tuyển phố về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em15; triển khai Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 cùng với chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm16 hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, bình an, không bạo lực, xâm hại trẻ em, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, bền vững.

Nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành, cha, mẹ, trẻ em và xã hội tăng lên rõ rệt, từ công tác phòng ngừa, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em, thực hiện hỗ trợ, can thiệp đến xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có sự chuyển biến tích cực; số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2022 tăng 20,5% so với năm 202017.

3. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục

100% cơ sở giáo dục thực hiện nâng cao năng lực, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường để phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường. Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực, đảm bảo không có cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường; tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục.

Nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đã được tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh và các tài liệu hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục từ năm 2018 trong các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt/Ngữ văn, Sinh học,...; thông qua tiết sinh hoạt lớp, tiết sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động tập thể. Việc tích hợp lồng ghép vào từng bài giảng, tiết học bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và thực tiễn.

Ban hành Hướng dẫn về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin, thông báo về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát và các hình thức khác. Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan tới bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; Xây dựng hệ thống theo dõi, thu nhận, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong cơ sở giáo dục của ngành Giáo dục; Tổ chức triển khai hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục, 100% trẻ em bị xâm hại đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp từ cơ sở giáo dục và các đơn vị liên quan.

4. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

Hiện nay mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã được hình thành trên cả nước với 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập); 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 23 trung tâm công tác xã hội với khoảng 35.000 công chức, viên chức và người lao động18.

Nghề công tác xã hội được tiếp tục phát triển, đào tạo nhân viên công tác xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng năm có khoảng 10.000 nhân viên công tác xã hội được bồi dưỡng nâng cao năng lực19.

Để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng các tài liệu tập huấn cho đội ngũ người làm công tác trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; tổ chức tập huấn đội ngũ giảng viên nguồn. Các địa phương cũng chủ động tổ chức các khóa tập huấn ngắn ngày cho đội ngũ người làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã và đội ngũ cộng tác viên. Cả nước tổ chức 4.137 lớp cho 325.269 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp.

Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục và thúc đẩy xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với dịch vụ bảo vệ trẻ em trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa. Tại các địa phương hình thành nhiều mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương mang lại hiệu quả cao.20

5. Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục

Để tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em của các cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành tài liệu Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục, các cơ sở khám chữa bệnh sản, nhi21 và quy trình tạm thời Giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập22; tăng cường năng lực của nhân viên y tế về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Thường xuyên chú trọng cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, chất lượng cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Lồng ghép hoạt động phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em và hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong bệnh viện. Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện thành lập Phòng, Tổ công tác xã hội để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh, trong đó có cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, kết hợp chăm sóc sức khỏe với hỗ trợ về tâm lý cho trẻ em và người nhà trẻ em.

Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị xâm hại23; tập huấn quy trình hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tập huấn cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tiếp nhận, thăm khám, cung cấp các dịch vụ cận lâm sàng đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, trẻ em bị xâm hại tình dục; xây dựng tiêu chí chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong bệnh viện; hướng dẫn thực hiện và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong bệnh viện; hướng dẫn dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội, ưu tiên dịch vụ bảo vệ trẻ em; tổ chức giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại.

6. Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em

Bộ Công an xây dựng “Tài liệu tập huấn công tác điều tra thân thiện với trẻ em”, “Tài liệu tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật và kỹ năng ứng phó với tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người” và tổ chức tập huấn (trực tiếp và trực tuyến) gần 20 lớp cho trên 1.000 cán bộ điều tra công an cấp cơ sở về kỹ năng điều tra thân thiện với người dưới 18 tuổi24. Đồng thời chỉ đạo Công an các địa phương tự tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng Công an cấp xã.

Các lớp tập huấn được trình bày với các chuyên đề cơ bản liên quan đến công tác điều tra thân thiện, gồm: i) Quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên; ii) Các quy định về trình tự tố tụng với người dưới 18 tuổi; iii) Tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong các vụ xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi; iv) Cách thức nhận diện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và kỹ năng điều tra thân thiện với trẻ em; v) Giải đáp những khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong công tác điều tra, đồng thời cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn cho các học viên.

Năm 2022 Bộ Công an đã bổ sung 1.000 điều tra viên và cấp chứng chỉ kỹ năng điều tra thân thiện cho 1.400 điều tra viên, cán bộ thụ lý vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công an đã triển khai xây dựng 39 mô hình “Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật”25 ở 38 đơn vị và địa phương26 phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, một số Công an địa phương ngoài mô hình Phòng điều tra thân thiện đã được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng đã chủ động triển khai xây dựng mô hình tại cấp huyện27.

Tính đến quý I/2023 đã có trên 1.200 lượt sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm xâm hại trẻ em; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối với tội phạm xâm hại trẻ em bảo đảm đúng người, đúng tội, tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân.

7. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, có sự tham gia của nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các đoàn viên, hội viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội

Công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em (Quy chế phối hợp số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023).

Ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) về bảo vệ trẻ em (Thỏa thuận số 607/TE-BĐVN ngày 24/11/2020); Ký Kế hoạch phối hợp với Ban Công tác xã hội, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 351/KHPH-TE-BCTXH ngày 19/7/2021)

17 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại28 đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xây dựng 03 tài liệu cho đội ngũ cán bộ tham gia mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ tham gia mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, đặc biệt đã xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, có sự tham gia của nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các đoàn viên, hội viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội.

Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các tổ chức tham gia vào mạng lưới bảo vệ trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức quan tâm, mặc dù nguồn kinh phí bố trí cho công tác trẻ em còn hạn hẹp nhưng cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em các cấp vẫn ưu tiên bố trí kinh phí cho việc tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các tổ chức tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em29.

Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường khả năng kết nối của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); duy trì việc thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

8. Công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

1. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề và liên ngành về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện, Ủy ban quốc gia về trẻ em năm 2021-2022 đã kiểm tra liên ngành tại 06 địa phương30. Ban hành bộ tài liệu thanh tra, kiểm tra31 và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em32. Kết quả đã thực hiện 7.372 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em ở các cấp, trong đó riêng Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện 06 cuộc thanh tra33, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện 59 cuộc thanh tra, kiểm tra, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện 470 cuộc kiểm tra và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện 6.837 cuộc tự kiểm tra; đã phát hiện 770 sai phạm, thiếu sót; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 196.619.320 đồng; kiến nghị cho trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội được truy lĩnh số tiền 310.083.410 đồng.

Một số bộ, ngành đã lồng ghép nội dung về kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong các hoạt động kiểm tra, thanh tra của bộ, ngành34 để nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và điều chỉnh các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện kiểm tra thông qua: yêu cầu địa phương báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống xâm hại trẻ em; báo cáo định kỳ 6 tháng, báo cáo năm về lĩnh vực trẻ em; chủ động nắm bắt tình hình từ các nguồn thông tin khác nhau để kịp thời chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, cơ bản các cơ quan, đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ các văn bản, các quy định về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá kết quả thực hiện, tồn tại, khó khăn; giải đáp các vướng mắc; kiến nghị cụ thể đối với cấp có thẩm quyền, đồng thời tham mưu với cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm tốt hơn quyền của trẻ em và tăng cường hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm đạo đức nhà giáo ở một số địa phương. Qua kiểm tra khảo sát, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Đồng thời, nắm bắt và giới thiệu nhân rộng các mô hình làm tốt, hiệu quả cho các địa phương có các điều kiện tương tự. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và tập huấn triển khai hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Các Sở giáo dục và đào tạo đã lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực học đường vào các nội dung khác trong các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở giáo dục. Theo số liệu thống kê từ các báo cáo, hằng năm các địa phương đã tổ chức trên 3.000 đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý. Các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm xem xét, đánh giá toàn diện ở cơ sở cũng được chú trọng, mỗi năm có trên 900 đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập. Các trường cũng thực hiện việc tự kiểm tra đánh giá hoặc đánh giá chéo giữa các trường nhằm tìm ra được những ưu điểm, hạn chế để từ đó tìm cách khắc phục.

3. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; nghiên cứu, khai thác các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật xâm hại trẻ em, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối, liên thông thành công cơ sở dữ liệu về trẻ em.

III. Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch hành động

Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, chỉ đạo Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương bố trí ngân sách thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Cụ thể:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được bố trí 5 tỷ đồng (năm 2021: 2 tỷ đồng; năm 2022: 1,5 tỷ đồng; năm 2023:1,5 tỷ đồng).

- Bộ Công an bố trí kinh phí hằng năm cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em từ NSNN theo từng kế hoạch, chương trình công tác của công an các đơn vị, địa phương (năm 2021: 11,775 tỷ đồng; năm 2022: 14,64 tỷ đồng; năm 2023: 12,94 tỷ đồng).

- 63/63 địa phương đã bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em, một số địa phương bố trí kinh phí tăng hằng năm35; tỉnh Quảng Ninh bố trí kinh phí riêng để thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2021-2023 số tiền 5,131 tỷ đồng (Phụ lục số IV).

IV. Đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đầu kỳ

1. Kết quả chính, chỉ tiêu đạt được so với đầu kỳ

Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, cụ thể và phù hợp hơn với các nhóm đối tượng. Nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha, mẹ, trẻ em nói riêng và xã hội nói chung về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có sự chuyển biến tích cực. Năng lực của cán bộ cung cấp dịch vụ được nâng cao hơn, Công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại từng bước được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra36, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2023 cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80% số vụ xâm hại trẻ em; có cả trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Đáng chú ý là một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng (trẻ em nữ mang thai, chết, tự tử) do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm (cha, mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trông giữ trẻ). Đặc biệt gần đây xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em có tính chất manh động, nhằm mục đích tống tiền, có vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng (giết trẻ em), gây mất an ninh, an toàn và bức xúc dư luận xã hội; liên tiếp xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả thực hiện chỉ tiêu

Mục tiêu 1: Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương thì trên 50% trẻ em/học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi, (mục tiêu phấn đấu là 100%).

Mục tiêu 2: Khoảng 75% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố. Kết quả: Năm 2020: 48,309 cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực (ước đạt 71,5%); năm 2021: 44,690 cán bộ (ước đạt 73,3%); năm 2022: 50,392 (ước đạt 75,6%) (mục tiêu phấn đấu là 100%).

Mục tiêu 3: 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Tổng số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục được truyền thông về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em là 2.024.876 người đạt khoảng 63% (năm 2020: 635,769; Năm 2021: 685,178, Năm 2022:703,929) (mục tiêu phấn đấu là toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục).

Mục tiêu 4: 75% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (mục tiêu 100%).

Mục tiêu 5: Khoảng 40% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em (mục tiêu 100%); 60% các tỉnh, thành phố thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em (mục tiêu 40%).

2. Tồn tại, khó khăn, hạn chế

- Một số chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở một số nơi hiệu quả chưa cao.

- Việc cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có thời điểm bị gián đoạn.

- Giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đời sống đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn, mức trợ cấp xã hội còn thấp; chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

- Nhiều địa phương chưa có chính sách cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, chủ yếu dùng nguồn xã hội hóa.

- Một số văn bản hướng dẫn chưa cụ thể và chậm được rà soát, bổ sung, sửa đổi gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện nhiệm vụ37. Ngân sách hàng năm của các tỉnh, thành phố phân bổ cho cấp huyện và cấp xã không có hoặc rất thấp, chủ yếu là giao nhiệm vụ.

- Thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì hiện nay chỉ bố trí 01 công chức văn hóa xã hội thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa, xã hội (trong đó có lĩnh vực trẻ em) nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai công tác trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng ở xã, phường, thị trấn.

3. Nguyên nhân

- Kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường; tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra thường xuyên, với cường độ và ảnh hưởng ngày càng mạnh; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến nhanh và những vấn đề an ninh phi truyền thống tác động sâu rộng, đa chiều đến xã hội, trẻ em (lao động, việc làm và thu nhập, nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, xâm hại, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng, vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội).

- Đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình; mối quan hệ gần gũi giữa người chăm sóc, người nuôi dưỡng với trẻ em, giữa thầy, cô giáo với học sinh; giữa người thân thích, họ hàng, hàng xóm, người quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội, lấy hình ảnh, thông tin giả mạo để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại.

- Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, tác động tiêu cực từ mạng xã hội, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm, buông lỏng việc quản lý con cái. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em chưa được hướng dẫn, giáo dục để có nhận thức, kiến thức đầy đủ, cập nhập về bảo vệ trẻ em, đặc biệt các kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em hoặc hướng dẫn trẻ em tự bảo vệ bản thân.

- Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một bộ phận thờ ơ, vô cảm, hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em dẫn đến một số vụ việc kéo dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, cộng đồng cư dân, các cấp quản lý, các quy định về trình tự, thủ tục chưa đầy đủ; chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

- Công tác phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn còn lúng túng; chưa có sự lồng ghép một số dịch vụ bảo vệ trẻ em để hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình các em; phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em trong trường học, gia đình ở một số nơi chậm phát hiện, xử lý; phối hợp trong công tác gia đình và công tác trẻ em có mặt chưa hiệu quả.

- Nhiều lãnh đạo địa phương chưa quan tâm trong việc bố trí nguồn lực (kinh phía và nhân lực38).

Phần 2

PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

I. Dự báo tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em

Từ năm 2020 đến tháng 9 năm 2023 cả nước có 7.883 trẻ em bị bạo lực, xâm hại dưới các hình thức khác nhau (bình quân một tháng có 170 em, một ngày có gần 6 em bị bạo lực, xâm hại; trẻ em gái chiếm tới 86%, trẻ em trai 14%) ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng của trẻ em và hiện nay tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm do nhiều thách thức:

1. Tình trạng di dân, bao gồm cả di dân tới làm việc tại các khu công nghiệp, khu đô thị của người lao động kéo theo trẻ em di cư và tình trạng di cư tự do trong nước, di cư quốc tế. Những người di cư ít có thời gian, điều kiện chăm sóc con cái, thậm chí một số người phải để con ở quê nhờ ông, bà chăm sóc. Việc thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha, mẹ dẫn đến nguy cơ cao hơn trẻ em bị bạo lực, xâm hại do thiếu người bảo vệ và trẻ em thiếu kỹ năng tự bảo vệ trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

2. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - truyền thông trong thời gian tới và số lượng người tiếp cận với công nghệ thông tin - truyền thông cũng sẽ tăng lên nhanh chóng, bên cạnh các lợi ích mà công nghệ thông tin - truyền thông mang lại cũng có không ít các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, đặc biệt là các trang mạng xã hội đăng tải, phát tán nội dung, hình ảnh độc hại, kích động bạo lực, tình dục; sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em. Ngành kinh tế du lịch phát triển mạnh, bao gồm cả du lịch trong nước và nước ngoài, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, mạng xã hội, nguy cơ cao về du lịch tình dục trẻ em.

3. Biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình, tình trạng tái nghèo, khó khăn về kinh tế cũng làm gia tăng tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

4. Các thách thức mang tính truyền thống: Nhân lực và tài chính cho công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm bố trí đúng mức dẫn đến thiếu nhân lực và tài chính cho các hoạt động phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em. Người làm công tác trẻ em cấp xã chỉ có một người kiêm nhiệm, chưa hiểu biết sâu về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại và không đủ quỹ thời gian tìm hiểu các văn bản chính sách, quy trình can thiệp hỗ trợ, thực hiện các hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kinh phí thực hiện công tác trẻ em cấp xã không được bố trí nên việc trợ giúp các em bị bạo lực, xâm hại và tổ chức các hoạt động thực hiện quyền trẻ em gặp khó khăn, điều này cũng có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

II. Giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động trong những năm tiếp theo

Thực hiện đầy đủ các giải pháp đã quy định trong Quyết định số 1863/QĐ- TTg và tập trung hơn nữa các giải pháp sau đây:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phân bổ ngân sách, bố trí hợp lý người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xử lý kịp thời tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục.

2. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về: bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến hỗ trợ cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng tạo lập môi trường sống an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời thông tin, thông báo, tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em trong đó có bạo lực, xâm hại trẻ em.

4. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực: phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

5. Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bảo vệ trẻ em; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Thúc đẩy phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em - trung tâm công tác xã hội ở cấp huyện hay cụm huyện: Thí điểm xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội hoặc văn phòng tư vấn hỗ trợ tâm lý trẻ em cấp huyện, cụm huyện để hỗ trợ cho đội ngũ người làm công tác trẻ em cấp xã thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại được kịp thời (bao gồm: lập hồ sơ, đánh giá, lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ, lượng giá, chuyển gửi, tiếp cận chính sách trợ giúp...).

6. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là phối hợp liên ngành trong quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin trong quá trình điều tra của ngành công an với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc đánh giá và cung cấp dịch vụ can thiệp, hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; hoàn thiện việc kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để quản lý, kiểm soát được tình hình di cư và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường số hóa, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em; trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong các biện pháp bảo vệ trẻ em.

8. Tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em, các khu dân cư, trường học an ninh, an toàn, các thiết chế gia đình văn hóa, các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cơ sở... để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung và bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng trên địa bàn dân cư, gia đình, không để phát sinh thành các vụ việc, vụ án phức tạp; ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và các dịch vụ bảo vệ trẻ em để duy trì, kết nối hiệu quả thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phần 3

KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

Tăng cường công tác giám sát thường xuyên, liên tục tại địa phương việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tổ chức giám sát chuyên đề và thảo luận, chất vấn chuyên đề về công tác phòng chống bạo lực, xâm trẻ em, đặc biệt giám sát về thực hiện trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định trong Luật Trẻ em.

2. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm ưu tiên bố trí nhân lực và tài chính cho công tác trẻ em nói chung trong đó có công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

3. Các bộ, ngành liên quan

Bộ Tài chính ban hành Thông tư thay thế Thông tư 98/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.

Chỉ đạo triển khai quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ trẻ em nói chung.

Tăng cường số hóa, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em.

4. Chính quyền địa phương các cấp

Bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) hợp lý cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em bảo đảm có ngân sách và nhân lực để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả.

Quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về: cộng đồng an toàn, thân thiện với trẻ em; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục.

5. Các tổ chức chính trị xã hội

Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị chuyển đến các cơ quan nhà nước để xử lý theo thẩm quyền.

Vận động thành viên hỗ trợ, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, thân thiện với trẻ em, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật.

6. Cơ quan truyền thông

Tuyên truyền các mô hình tốt, tấm gương sáng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường truyền thông về các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại; tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, lên tiếng tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trên đây là Báo cáo kết quả 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- TW Đoàn TNCSHCM;
- Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam;
- UBND 63 tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, Cục TE(NTTL).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN VỀ BẢO VỆ TRẺ EM, PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

A. Văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành

STT

Tên văn bản

Ngày ban hành

I. Luật

1

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số: 67/2020/QH14)

13/11/2020

2

Luật Phòng, chống ma túy (Luật số: 73/2021/QH14)

30/3/2021

3

Luật Điện ảnh (Luật số: 05/2022/QH15)

15/6/2022

4

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật số: 13/2022/QH15)

14/11/2022

II. Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

1

Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

24/3/2022

2

Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

18/8/2022

3

Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

13/12/2022

III. Nghị định của Chính phủ

1

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

15/7/2020

2

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

07/10/2020

3

Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng

09/11/2020

4

Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

22/01/2021

5

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

15/3/2021

6

Nghị định số 38/2021/NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo

29/3/2021

7

Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy

04/12/2021

8

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy

21/12/2021

9

Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

24/12/2021

10

Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

31/12/2021

11

Nghị định số 140/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

31/12/2021

12

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

31/12/2021

13

Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

17/01/2022

14

Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

27/01/2022

15

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình

01/10/2022

IV. Nghị quyết của Chính phủ

1

Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

01/7/2021

2

Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19

17/3/2022

3

Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội , dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023

06/01/2023

V. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

1

Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

31/12/2021

2

Chỉ thị số 08/CT-TTg tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường

01/6/2022

3

Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

31/8/2022

4

Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động thư viện trong phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi

01/11/2022

VI. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1

Quyết định số 1472/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

28/9/2020

2

Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030

07/01/2021

3

Quyết định số 112/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030

22/01/2021

4

Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

09/02/2021

5

Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

27/5/2021

6

Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025

01/6/2021

7

Quyết định số 1452/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025

31/8/2021

8

Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025

14/10/2021

9

Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”

11/11/2021

10

Quyết định số 2074/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (giai đoạn 2021 - 2030)

10/12/2021

11

Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030

30/12/2021

12

Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025

13/01/2022

13

Quyết định số 85/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025

17/01/2022

14

Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025

18/01/2022

15

Quyết định số 96/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030”

19/01/2022

16

Quyết định số 127/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022-2025

24/01/2022

17

Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

22/02/2022

18

Quyết định số 311/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”

05/3/2022

VII. Công điện của Ủy ban quốc gia về trẻ em

1

Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em

20/4/2021

VIII. Thông tư

1

Thông tư số 09/2020/TT-LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên

12/11/2020

2

Thông tư số 14/2020/TT-LĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em

28/11/2020

3

Thông tư số 109/2020/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

25/12/2020

4

Thông tư số 10/2020/TT-BTP ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi

28/12/2020

5

Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi

22/4/2021

6

Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

25/5/2021

7

Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

24/6/2021

8

Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH về Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em

30/9/2021

9

Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến

15/12/2021

10

Thông tư số 11/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam

28/12/2021

11

Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành (trong đó có theo dõi việc thi hành các quyết định về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự)

29/12/2021

12

Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục

31/12/2021

13

Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

18/02/2022

14

Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục

29/12/2022

IX. Quy chế phối hợp

1

Quy chế phối hợp số 358/QCPH-BLĐTBXH-BGDĐT-BYT-BVHTTDL giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025

17/02/2022

2

Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

18/7/2022

3

Quy chế phối hợp số 05/QCPH-BCA-BLĐTBXH-BTTTT giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng

15/8/2022

4

Quy chế phối hợp số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

16/6/2023

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN VỀ BẢO VỆ TRẺ EM, PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Nguồn: Báo cáo của các địa phương

Văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành

STT

Tên văn bản

Cơ quan ban hành

1

Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về chính sách hỗ trợ một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

HĐND tỉnh Quảng Ninh

2

Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

HĐND tỉnh Quảng Ninh

3

Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 về thông qua mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố

HĐND thành phố Đà Nẵng

4

Nghị quyết số 73/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định mức chi thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2022-2025.

HĐND thành phố Đà Nẵng

5

Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 về việc ban hành quy định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội về trợ giúp xã hội.

UBND thành phố Đà Nẵng

6

Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 15/7/2021 quy định một số đối tượng khó khăn được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh (ngoài các đối tượng quy định NĐ số 20/2021/NĐ-CP ngày 5/3/2021)

HĐND tỉnh Cà Mau

7

Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội

HĐND thành phố Hà Nội

8

Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025

HĐND thành phố Hà Nội

9

Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của các đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết nguyên đán; kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7; ngày quốc khánh 02/9; ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu

HĐND thành phố Hà Nội

10

Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025

HĐND thành phố Hà Nội

11

Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

HĐND tỉnh Nghệ An

12

Nghị quyết số 49/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 về việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

HĐND tỉnh Hà Tĩnh

13

Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025

HĐND tỉnh Hà Tĩnh

14

Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về việc quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh

HĐND tỉnh Bình Thuận

15

Nghị Quyết số 58/2018 NQ-HĐND ngày 20/7/2018 quy định mức hỗ trợ cho cộng tác viên tham gia công tác trẻ em tại thôn, bản, khu phố

HĐND tỉnh Bình Thuận

16

Nghị quyết số 68/2021/NQ-HĐND ngày 14/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại NĐ số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp trên địa bàn tỉnh Kon Tum

HĐND tỉnh Kon Tum

17

Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022-2025

HĐND tỉnh Hậu Giang

18

Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 19/8/2021 quy định chế độ hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, cộng tác viên bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang

HĐND tỉnh An Giang

19

Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh

HĐND tỉnh Sóc Trăng

20

Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

HĐND tỉnh Thái Nguyên

21

Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 về việc quy định mức thù lao cho cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

UBND tỉnh Tây Ninh

22

Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai

HĐND tỉnh Gia Lai

23

Nghị quyết số 345/2023/NQ-HĐND ngày 22/3/2023 về việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

HĐND tỉnh Hưng Yên

24

Nghị quyết số 211/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách về công tác dân số ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

HĐND tỉnh Hưng Yên

25

Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

HĐND tỉnh Hà Nam

26

Nghị quyết số 68/2021/NQ-HĐND ngày 14/12/2021 về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum

HĐND tỉnh Kon Tum

27

Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

HĐND tỉnh Lạng Sơn

28

Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 về việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

HĐND tỉnh Khánh Hòa

29

Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc

30

Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ đối với cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới ở các khu ấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

HĐND tỉnh Bình Dương

31

Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 quy định về mức chuẩn trợ cấp trợ giúp xã hội và Chính sách bảo trợ xã hội cho một số đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh Bình Dương

HĐND tỉnh Bình Dương

32

Nghị quyết số 12/2022/HĐND, ngày 21/4/2022 quy định mức bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

HĐND tỉnh Quảng Nam

33

Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 16/3/2022 phê duyệt Đề án Kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam

34

Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP

HĐND thành phố Cần Thơ

35

Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 28/02/2020 phê duyệt mức hỗ trợ kinh phí, địa bàn và triển khai thực hiện Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2020

UBND tỉnh Đắk Nông

36

Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

HĐND tỉnh Vĩnh Long

37

Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

HĐND tỉnh Bắc Giang

38

Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

HĐND tỉnh Vĩnh Long

39

Nghị quyết số 29/2023/NQ-HĐND ngày 28/7/2023 quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã

HĐND tỉnh Bình Dương

PHỤ LỤC III

SỐ LIỆU TIẾP NHẬN THÔNG TIN, THÔNG BÁO VÀ HỖ TRỢ, CAN THIỆP TRẺ EM BỊ XÂM HẠI TỪ TỔNG ĐÀI ĐIỆN THOẠI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM (SỐ 111)

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

STT

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

9th 2023

Tổng

Tổng cuộc gọi đến

687,750

507,861

368,346

238,500

1,802,457

1

Tổng cuộc gọi được lập hồ sơ

29,507

35,385

27,773

15,991

108,656

2

Cuộc gọi tư vấn chuyên sâu

8,551

11,447

10,420

6,616

37,034

3

Ca can thiệp hỗ trợ

1,295

1,257

1,561

845

4,958

4

Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

229

458

419

251

1,357

Cuộc gọi tư vấn

186

422

398

240

1,246

Ca can thiệp

43

36

21

11

111

Lượt thông báo về kênh/clip có nội dung liên quan

25

132

18

22

197

PHỤ LỤC IV

NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG BỐ TRÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM VÀ BẢO VỆ TRẺ EM THÔNG QUA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

ĐVT: triệu đồng

TT

Tên địa phương

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Tổng toàn quốc

142,680

116,668

125,280

I

Miền núi phía Bắc

1

Hà Giang

200

-

300

2

Tuyên Quang

1,038

1,387

1,765

3

Cao Bằng

200

200

250

4

Lạng Sơn

4,550

870

1,040

5

Lào Cai

1,021

700

744

6

Yên Bái

850

850

850

7

Thái Nguyên

1,300

1,650

1,650

8

Bắc Kạn

523

433

374

9

Phú Thọ

1,863

1,440

1,620

10

Bắc Giang

2,650

2,040

2,020

11

Hòa Bình

428

815

600

12

Sơn La

600

100

1,670

13

Lai Châu

610

400

490

14

Điện Biên

300

500

II

Đồng bằng sông Hồng

15

Thành phố Hà Nội

4,500

4,050

3,530

16

Thành phố Hải Phòng

2,000

2,000

1,900

17

Quảng Ninh

9,000

8,350

10,000

18

Hải Dương

1,408

1,076

1,260

19

Hưng Yên

2,040

1,990

1,825

20

Vĩnh Phúc

11,270

11,600

11,000

21

Bắc Ninh

2,308

2,242

3,310

22

Hà Nam

320

330

330

23

Nam Định

700

700

700

24

Ninh Bình

1,242

1,377

1,380

25

Thái Bình

720

720

1,215

III

Miền Trung

26

Thanh Hoá

2,339

1,471

2,040

27

Nghệ An

1,620

1,719

1,350

28

Hà Tĩnh

540

540

540

29

Quảng Bình

1,463

500

400

30

Quảng Trị

1,060

1,060

1,162

31

Thừa Thiên Huế

2,475

1,150

1,800

32

Thành phố Đà Nẵng

6,500

4,702

3,827

33

Quảng Nam

375

500

1,290

34

Quảng Ngãi

4,762

2,652

2,152

35

Bình Định

6,406

3,520

3,550

36

Phú Yên

1,440

900

990

37

Khánh Hòa

632

880

835

38

Ninh Thuận

630

900

855

39

Bình Thuận

1,700

1,341

1,027

IV

Tây Nguyên

40

Đắk Lắk

500

528

630

41

Đắk Nông

568

120

360

42

Gia Lai

2,131

1,450

1,378

43

Kon Tum

1,060

1,061

611

44

Lâm Đồng

456

650

460

V

Đông Nam Bộ

45

Thành phố Hồ Chí Minh

2,400

705

500

46

Đồng Nai

4,500

5,729

5,190

47

Bình Dương

11,040

8,553

8,871

48

Bình Phước

1,147

200

200

49

Tây Ninh

3,500

3,500

3,600

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

1,800

3,223

3,547

VI

Đồng bằng sông

51

Long An

5,338

1,264

5,125

52

Tiền Giang

900

900

900

53

Bến Tre

550

550

600

54

Trà Vinh

360

360

295

55

Vĩnh Long

1,900

2,338

2,058

56

Thành phố Cần Thơ

735

735

735

57

Hậu Giang

430

410

440

58

Sóc Trăng

886

870

1,452

59

An Giang

7,400

6,200

6,900

60

Đồng Tháp

2,777

3,643

4,534

61

Kiên Giang

2,400

2,220

2,090

62

Bạc Liêu

1,446

1,736

1,563

63

Cà Mau

4,873

2,069

1,100

PHỤ LỤC SỐ V

TỔNG HỢP THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, NHÂN LỰC, KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM TẠI ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2023

Nguồn: Báo cáo của các tỉnh, thành phố

STT

Tên tỉnh

Cấp tỉnh

Cấp huyện

Cấp xã

Tổng số cán bộ làm công tác trẻ em cấp tỉnh

Chuyên trách cấp tỉnh

Kiêm nhiệm cấp tỉnh

Tổng số cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện

Chuyên trách cấp huyện

Kiêm nhiệm cấp huyện

Tổng số cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã

Chuyên trách cấp xã

Số cán bộ kiêm nhiệm

Tổng số công tác viên

Công chức Văn hóa - Xã hội/Công chức LĐTBXH

Cán bộ Hội LHPNVN

Cán bộ Đoàn TN

Cán bộ khác

I

Vùng miền núi phía Bắc

53

26

27

217

31

186

2670

65

2154

74

82

295

18,293

1

Hà Giang

2

2

11

0

11

193

0

193

0

0

0

2,071

2

Tuyên Quang

3

2

1

7

0

7

138

0

138

0

3

Cao Bằng

3

3

10

10

161

161

1,462

4

Lạng Sơn

3

1

2

22

22

200

200

1,705

5

Lào Cai

5

3

2

27

9

18

152

152

1,559

6

Yên Bái

6

0

6

18

0

18

173

173

1,364

7

Thái Nguyên

3

1

2

10

2

8

191

44

115

1

2

29

2,214

8

Bắc Kạn

2

1

1

8

8

134

21

52

14

15

32

1,217

9

Phú Thọ

2

0

2

26

0

26

466

0

209

5

27

225

2,330

10

Bắc Giang

3

1

2

18

18

210

209

1

2,148

11

Hòa Bình

8

4

4

20

10

10

151

0

151

0

0

0

151

12

Sơn La

3

1

2

12

12

266

0

166

53

38

9

189

13

Lai Châu

5

5

8

8

106

106

956

14

Điện Biên

5

2

3

20

0

20

129

0

129

0

0

0

927

II

Đồng bằng sông Hồng

90

20

70

245

8

237

2369

0

2210

67

4

88

21,277

15

Hà Nội

7

7

57

57

579

538

1

40

10,944

16

Hải Phòng

19

19

29

0

29

217

0

217

0

0

0

1,913

17

Quảng Ninh

4

2

2

26

0

26

177

0

160

16

1

1,443

18

Hải Dương

5

5

24

24

235

235

19

Hưng Yên

5

4

1

19

0

19

161

0

119

41

1

1,309

20

Vĩnh Phúc

3

2

1

18

0

18

136

0

136

0

0

0

21

Bắc Ninh

6

6

0

16

8

8

126

126

741

22

Hà Nam

4

1

3

6

0

6

109

109

685

23

Nam Định

31

2

29

18

0

18

226

0

167

9

3

47

2,160

24

Ninh Bình

3

2

1

16

16

143

143

25

Thái Bình

3

1

2

16

0

16

260

0

260

2,082

III

Miền Trung

126

39

87

244

42

202

3242

332

2082

141

133

554

15,955

26

Thanh Hóa

45

6

39

27

0

27

1029

0

560

129

131

209

2,790

27

Nghệ An

25

1

24

42

21

21

460

0

460

0

0

0

3,807

28

Hà Tĩnh

8

2

6

16

16

0

216

216

0

0

0

0

1,759

29

Quảng Bình

1

1

8

8

151

151

681

30

Quảng Trị

3

2

1

9

5

4

125

0

125

887

31

Thừa Thiên Huế

6

1

5

9

0

9

141

0

141

0

0

0

760

32

Đà Nẵng

4

2

2

13

13

112

56

19

37

1,859

33

Quảng Nam

6

6

39

39

241

60

82

11

1

87

2,253

34

Quảng Ngãi

7

5

2

25

25

173

0

103

1

69

951

35

Bình Định

6

4

2

22

22

159

145

1

13

36

Phú Yên

3

1

2

9

0

9

110

0

0

110

208

37

Khánh Hòa

3

1

2

8

0

8

136

0

129

0

0

7

38

Ninh Thuận

4

4

0

7

0

7

65

0

43

0

0

22

39

Bình Thuận

5

3

2

10

0

10

124

0

124

0

0

0

IV

Tây Nguyên

21

14

7

98

5

93

719

0

713

0

0

6

5,560

40

Đắk Lắk

9

8

1

30

0

30

184

0

184

2,491

41

Đắk Nông

5

3

2

8

0

8

71

0

66

0

0

5

713

42

Gia Lai

3

1

2

38

5

33

220

0

219

0

0

1

1,482

43

Kon Tum

3

2

1

10

10

102

102

874

44

Lâm Đồng

1

0

1

12

0

12

142

0

142

0

0

0

0

V

Đông Nam Bộ

29

18

11

87

17

70

872

226

325

20

3

298

18,628

45

Hồ Chí Minh

9

9

26

12

14

324

142

19

163

11,790

46

Đồng Nai

9

6

3

11

5

6

170

84

9

14

0

63

3,505

47

Bình Dương

2

2

9

9

91

45

46

586

48

Bình Phước

3

1

2

22

0

22

111

0

87

6

3

15

1,366

49

Tây Ninh

3

1

2

9

0

9

94

0

94

0

0

0

535

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

3

1

2

10

0

10

82

0

71

11

846

VI

Đồng bằng sông Cửu Long

71

12

59

439

13

426

3604

120

1262

245

162

1815

14,246

51

Long An

1

1

15

15

188

188

3,473

52

Tiền Giang

2

1

1

11

5

6

183

172

11

1,200

53

Bến Tre

3

1

2

9

9

164

41

118

0

0

5

1,052

54

Trà Vinh

1

1

18

18

106

106

55

Vĩnh Long

2

1

1

8

0

8

107

0

91

5

0

11

752

56

Cần Thơ

3

1

2

18

0

18

83

0

83

0

0

0

1,667

57

Hậu Giang

2

1

1

8

0

8

150

75

0

75

58

Sóc Trăng

3

1

2

11

4

7

109

101

6

2

59

An Giang

20

20

22

0

22

156

4

2

0

0

150

1,714

60

Đồng Tháp

15

0

15

24

0

24

286

0

143

12

14

117

1,936

61

Kiên Giang

4

1

3

263

4

259

1895

0

144

147

148

1456

1,057

62

Bạc Liêu

6

0

6

14

0

14

68

0

64

0

0

4

512

63

Cà Mau

9

4

5

18

18

109

50

0

59

883

TỔNG

390

129

261

1330

116

1214

13476

743

8746

547

384

3056

93,959



1 Công văn số 1552/LĐTBXH-TE và Công văn số 1553/LĐTBXH-TE ngày 28/4/2023

2 Công văn số 666/LĐTBXH-TE ngày 27/2/2020, Công văn số 375/LĐTBXH-TE ngày 23/2/2021, Công văn số 478/LĐTBXH ngày 28/2/2022, Công văn số 636/LĐTBXH-TE ngày 28/02/2023

3 03 tỉnh, thành phố ban hành 01 văn bản triển khai chung nhiều nội dung về công tác trẻ em; 60 tỉnh, thành phố ban hành văn bản triển khai thực hiện riêng Quyết định số 1863/QĐ-TTg .

4 Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021

5 Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021.

6 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.

7 Riêng Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 yêu cầu “Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kiểm soát và giảm số vụ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông”.

8 Pháp lệnh trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân; Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

9 Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022.

10 Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 và số 27/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022.

11 An Giang, Bình Thuận, Hậu Giang, Quảng Ninh, Thành phố Hà Nội (đang xin ý kiến các cơ quan có liên quan)

12 Bao gồm tài liệu phổ biến các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm hại tình dục; tờ gấp giới thiệu quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em; các câu chuyện, tình huống, hỏi đáp pháp luật liên quan đến quyền được bảo vệ của trẻ em; phổ biến các quy định của pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho người sử dụng lao động, người lao động, cha mẹ, trẻ em...

13 Bao gồm: tờ rơi, video clip, thông điệp trên một số ấn phẩm: bút, quạt, mũ; sản xuất 08 tờ rơi, sách mỏng truyền thông về phòng, chống lao động trẻ em; sản xuất 06 video clip hướng dẫn cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em về kỹ năng bảo vệ trẻ em; 7 tờ rơi mẫu phòng chống bạo lực trẻ em dành cho trẻ em và thành viên gia đình; 20 video clip hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em; 16 video về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; khoảng 1000 tin, bài, ảnh về thực hiện quyền trẻ em đăng tải trên Fanpage Truyền hình Vì trẻ em VTV1 với trên 256 nghìn người tiếp cận, hơn 14,7 nghìn người theo dõi và trên 152 nghìn người theo dõi trên kênh Youtube; phối hợp với Báo điện tử đại biểu nhân dân mở chuyên trang “Chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em” và tọa đàm “xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, 585 tin, phóng sự, bài viết và ảnh tuyên truyền về việc ban hành, thực thi và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; 165 chương trình truyền hình vì trẻ em, chương trình an sinh xã hội phát trên VTV; 103 chương trình “Một giờ đường dây nóng” phát hàng tuần từ 16h -17h chủ nhật trên VOV giao thông; 113 chương trình trực tuyến “Chuyện nhà” phát trên các trang mạng xã hội, Truyền hình Vì trẻ em VTV1.

14 Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, năm 2022 là “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, năm 2023 là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”; tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) hằng năm.

15 24 chuyên mục về giáo dục đạo đức lối sống và 24 chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình với thời lượng 15 phút/chuyên mục và phát 192 lần vào khung giờ vàng của kênh VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam.

16 Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021, 2022 với chủ đề “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”; năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.

17 Phụ lục III

18 Nguồn: Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

19 Nguồn: Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

20 Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng

21 Quyết định số 3133/QĐ-BYT ngày 17/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế

22 Quyết định số 5609/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế

23 Tổ chức tập huấn giảng viên nguồn về chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị xâm hại cho các tỉnh miền Bắc, miền Nam và miền Trung Tây Nguyên và cho các cơ sở khám, chữa bệnh tại Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh.

24 Năm 2020 tổ chức 09 lớp tập huấn trực tuyến cho 18 địa phương; Năm 2021 tổ chức 03 lớp tập huấn trực tuyến cho 23 địa phương; Năm 2022 tổ chức 03 lớp tập huấn trực tiếp cho 03 địa phương; 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức 04 lớp tập huấn trực tiếp cho 19 địa phương.

25 Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tỉnh, An Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Giang, Yên Bái, Học viện Cảnh sát nhân dân và Cục Cảnh sát hình sự (năm 2020); Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Cần Thơ (năm 2021); Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Tiền Giang, Phú Yên, Cao Bằng và Cục Cảnh sát hình sự phía Nam (năm 2022); Tuyên Quang, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2023).

26 Vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 15 mô hình (chỉ tiêu đến 2025 là 24 mô hình)

27 Đồng Tháp triển khai xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện ở 3 huyện; Hồng Ngự, Châu Thành, Lai Vung; Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết về một số mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, trong đó; chỉ đạo xây dựng 13 mô hình tại 13 thành phố, huyện trên địa bàn tỉnh.

28 Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An, Lai Châu.

29 Trong 3 năm qua có trên 10.000 cán bộ tham gia mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em. Ban bảo vệ trẻ em cấp xã và người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã được tập huấn, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em

30 Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đắk Nông.

31 Bộ Tài liệu Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Quy trình thanh tra, quy trình kiểm tra sử dụng lao động chưa thành niên.

32 Công văn số 338/LĐTBXH-TTr ngày 16/02/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó chỉ đạo cấp tỉnh thanh tra tại ít nhất 02 địa bàn cấp huyện và tại 100% cơ sở trợ giúp xã hội do cấp tỉnh thành lập và quản lý, 100% Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã tự kiểm tra và kiểm tra 100% cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện, cấp xã thành lập và quản lý.

33 Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Cần Thơ, Lâm Đồng.

34 Kiểm tra: phòng trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch, lữ hành, thể dục thể thao; tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi tuổi tại 13 tỉnh, thành phố; công an địa phương tổ chức gần 200 lượt kiểm tra liên ngành (Bộ Công an); phòng, chống bạo lực học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện tại 8 địa phương mỗi năm (Bộ Giáo dục và Đào tạo); rà soát, phát hiện và ngăn chặn nhiều trường hợp đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em (đã xử lý: 18 nhóm), kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tỷ lệ chiếu phim dành cho trẻ em theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện ảnh đối với các đài truyền hình địa phương (Bộ Thông tin và Truyền thông).

35 Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp

36 Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025”

37 Thông tư số 24/TT-BYT ngày 17/5/2017 của Bộ Y tế quy định về quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 98/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020...

38 Phụ lục V.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 02/BC-LĐTBXH ngày 03/01/2024 sơ kết 03 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm, hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.568

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.206.144
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!