Yêu cầu kiểm tra thuế đột xuất đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá” như thế nào?
- Tổng cục thuế yêu cầu kiểm tra thuế đột xuất đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá” như thế nào?
- Đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy xuất hóa đơn thấp hơn giá bán bị xử phạt hành chính như thế nào?
- Các trường hợp nào kiểm tra thuế đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy?
Tổng cục thuế yêu cầu kiểm tra thuế đột xuất đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá” như thế nào?
Gần đây, hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy diễn ra tình trạng một số đại lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng cao hơn giá đề xuất tại Thông báo của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chính hãng hoặc giá niêm yết nhưng xuất hóa đơn cho khách hàng ghi giá bán thấp hơn thực tế giao dịch, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy, tại Công văn 4755/TCT-DNNCN năm 2022 Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:
- Thực hiện rà soát, đánh giá phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động đại lý, kinh doanh ô tô, xe máy trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro về việc không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch để xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.
- Tăng cường giám sát, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị (phòng, đội) quản lý người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy, định kỳ tiến hành rà soát hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, thu thập thông tin và đánh giá dữ liệu đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý giá (UBND các cấp, Sở Tài chính, Cơ quan Quản lý thị trường,...) để xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất tham mưu UBND đồng cấp thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác quản lý; trao đổi thông tin với các ngân hàng thương mại để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng đối với tài khoản của tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ trong hoạt động mua bán ô tô, xe máy.
Trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các Cục Thuế chủ động phối hợp, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố, theo dõi xử lý theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng về việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh, đại lý bán hàng xuất hóa đơn theo đúng giao dịch thực tế; chủ động có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách thuế, đảm bảo người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời cảnh báo người nộp thuế có hành vi gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm, từ đó nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng gian lận, trốn thuế.
Các Cục Thuế, Chi cục Thuế cần bố trí, thông báo công khai các hòm thư, địa chỉ thư điện tử, các kênh tiếp nhận thông tin trên nền tảng khác nhau để mở rộng phương thức thu thập thông tin, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân cung cấp kịp thời thông tin về những đại lý, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn khi bán hàng, lập hóa đơn ghi giá thấp hơn giá giao dịch thực tế để trốn thuế.
Yêu cầu kiểm tra thuế đột xuất đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá” như thế nào? (Hình từ Internet)
Đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy xuất hóa đơn thấp hơn giá bán bị xử phạt hành chính như thế nào?
Tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi trốn thuế, cụ thể như sau:
Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
...
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.
b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
7. Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.
Tại quy định khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
4. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền
a) Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
Và theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
5. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.
Như vậy, đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy xuất hóa đơn thấp hơn giá bán có hành vi xuất hóa đơn thấp hơn giá bán là một trong những hành vi trốn thuế và tùy theo tình tiết tăng nặng mà sẽ bị phạt tiền tương ứng.
Ngoài ra, còn phải buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế.
Các trường hợp nào kiểm tra thuế đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế 2019 về các trường hợp kiểm tra thuế đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy như sau:
- Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;
- Trường hợp hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không thu thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu. Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; nếu không đủ căn cứ chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì cơ quan quản lý thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung;
- Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
- Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;
- Trường hợp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền;
- Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Làn đường là gì? Những lưu ý khi sử dụng làn đường từ năm 2025 dành cho người tham gia giao thông?
- Chỉ số DXY là gì? Thành phần tạo nên chỉ số DXY? Giao dịch ngoại tệ được thực hiện thông qua hình thức nào?
- Thuế môn bài năm 2025 mới nhất: Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết và phải nắm rõ là gì?
- Người đi bộ qua đường không giơ tay xin đường có thể bị phạt tiền theo quy định mới tại Nghị định 168?
- Lỗi chở hàng cồng kềnh xe máy 2025? Mức phạt chở hàng cồng kềnh 2025? Xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu?