Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá dựa trên các nguyên tắc gì? Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được cấu thành từ các bộ phận nào?
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá dựa trên các nguyên tắc gì?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 142/2015/TT-BTC, về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá sẽ dựa trên 07 nguyên tắc sau:
1. Phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước về giá, điều hành kinh tế vĩ mô, điều tiết giá của Nhà nước; công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá phải được cập nhật, duy trì thường xuyên, đầy đủ.
3. Tất cả các thông tin, dữ liệu trước khi được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá phải được kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại phù hợp.
4. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá thực hiện theo nguyên tắc phối hợp, chia sẻ thông tin hoặc mua tin theo hợp đồng mua tin, hợp đồng cung cấp thông tin, hợp đồng cộng tác viên cung cấp thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật.
5. Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin, lưu trữ thông tin lâu dài, bảo vệ bí mật nhà nước.
6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được xây dựng phù hợp với kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật.
7. Các nguyên tắc khác theo quy định về cơ sở dữ liệu về giá của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia vào việc xây dựng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (Hình từ Internet)
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được cấu thành từ các bộ phận nào?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 142/2015/TT-BTC thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được cấu thành từ Cơ sở dữ liệu về giá của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trong đó:
(1) Cơ sở dữ liệu về giá của Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Sở Tài chính là đầu mối kết nối cơ sở dữ liệu về giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bao gồm:
+ Cơ sở dữ liệu về giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá thuộc thẩm quyền địa phương.
+ Cơ sở dữ liệu về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục báo cáo giá thị trường theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hóa nhập khẩu (đã bị thay thế bởi Thông tư 116/2018/TT-BTC).
+ Cơ sở dữ liệu về giá do các cơ quan thuộc lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý công sản trên địa bàn xây dựng, kết nối với cơ sở dữ liệu về giá của Sở Tài chính.
+ Cơ sở dữ liệu về giá do các Sở quản lý ngành, lĩnh vực và Phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia cung cấp, cập nhật thông tin.
+ Cơ sở dữ liệu liên quan về giá khác (nếu có) do Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự xây dựng.
(2) Cơ sở dữ liệu về giá của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính gồm:
+ Cơ sở dữ liệu về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục báo cáo giá thị trường theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hóa nhập khẩu và văn bản bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế (nếu có) do Cục Quản lý giá quản lý (đã bị thay thế bởi Thông tư 116/2018/TT-BTC).
+ Cơ sở dữ liệu về giá do Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá (thuộc Cục Quản lý giá) xây dựng, quản lý theo nội dung cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 4 Thông tư 142/2015/TT-BTC;
+ Cơ sở dữ liệu về giá trong lĩnh vực hải quan do cơ quan hải quan xây dựng, quản lý;
+ Cơ sở dữ liệu về giá tính thuế tài nguyên do cơ quan thuế xây dựng, quản lý;
+ Cơ sở dữ liệu về giá tài sản nhà nước do cơ quan quản lý công sản xây dựng, quản lý;
+ Cơ sở dữ liệu liên quan về giá khác (nếu có).
(3) Cơ sở dữ liệu về giá (nếu có) do các tổ chức, cá nhân tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 142/2015/TT-BTC xây dựng, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Cơ sở dữ liệu về giá của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được kết nối thế nào?
Việc kết nối cơ sở dữ liệu về giá của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá thực hiện theo Điều 8 Thông tư 142/2015/TT-BTC như sau:
Kết nối cơ sở dữ liệu về giá của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
1. Tùy theo loại tài liệu, dữ liệu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật; quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tại Điều 2 Thông tư này; quy định về chế độ báo cáo giá thị trường và các yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền, các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu về giá có trách nhiệm kết nối cơ sở dữ liệu về giá của đơn vị mình vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
2. Các hội, hiệp hội ngành hàng; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Tập đoàn, Tổng công ty; Doanh nghiệp thẩm định giá tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu về giá của đơn vị vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định tại Thông tư này và quy chế phối hợp giữa các bên.
3. Việc kết nối thực hiện theo ít nhất một trong các hình thức: thư điện tử, cập nhật trực tiếp dữ liệu và truyền số liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá hoặc qua chương trình, phần mềm ứng dụng và các hình thức phù hợp khác theo quy chế phối hợp giữa các bên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?