Xăm mình có được thi tuyển công chức không? Công chức đi xăm mình có bị kỷ luật buộc thôi việc không?
Xăm mình có được thi tuyển công chức không?
Căn cứ quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định về điều kiện người được tham gia thi tuyển công chức như sau:
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ 18 tuổi trở lên;
c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Không cư trú tại Việt Nam;
b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Ngoài ra tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có quy định hướng dẫn Điều trên như sau:
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.
Như vậy, các quy định hiện hành về điều kiện người được đăng ký thi tuyển công chức không loại trừ trường hợp người có hình xăm mà chỉ căn cứ vào một số yêu cầu về nhân thân và năng lực.
Xăm mình có được thi tuyển công chức không? Công chức đi xăm mình có bị kỷ luật buộc thôi việc không? Viên chức, công chức có được xăm mình không? (Hình từ Internet)
Công chức đi xăm mình có bị kỷ luật buộc thôi việc không?
Căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định sau đây:
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Như vậy, đối chiếu với các trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc như bên trên, không có quy định rằng hành vi xăm mình là căn cứ xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức.
Ngoài ra tại các quy định về các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khác đối với công chức từ Điều 8 đến Điều 12 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cũng không có quy định nào đề cập đến trường hợp công chức xăm mình. Do đó, xăm mình không phải là căn cứ xử lý kỷ luật đối với công chức.
Viên chức, công chức có được xăm mình không?
Về vấn đề này, xem xét các quy định pháp luật về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm như sau:
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, quy định này được nêu tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 đã liệt kê một số hành vi không được làm liên quan đến đạo đức công vụ (như trốn tránh trách nhiệm, sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật, lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, phân biệt đối xử dân tộc,...); những việc không được làm liên quan đến bí mật nhà nước; và một số hành vi khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự... mà không có quy định nào đề cập đến vấn đề cấm công chức, cán bộ xăm mình.
Ngoài ra, đối với viên chức, căn cứ Điều 19 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Những việc viên chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, Luật Viên chức hiện hành cũng không có quy định nào cấm hành vi xăm mình của viên chức.
Như vậy, có thể kết luận pháp luật hiện nay không có quy định nào không cho phép công chức, cán bộ, viên chức xăm mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có được tiết lộ thông tin về hợp đồng mua bán điện không?
- Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu là gì? Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án bao gồm những nội dung chính nào?
- Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động thì xử phạt hành chính như thế nào theo quy định?
- Luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ dân sự có mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Luật nào?
- Siêu hình trong triết học là gì? Phương pháp siêu hình là gì? Sinh viên học môn triết học có nhiệm vụ gì?