Vợ bị bệnh tâm thần có được xem là người mất năng lực hành vi dân sự không? Trong trường hợp này chồng có được bán tài sản chung không?
Mắc bệnh tâm thần có được xem là người mất năng lực hành vi dân sự?
Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Chiếu theo quy định trên vợ bạn bị mắc bệnh tâm thần thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố vợ mình là người mất năng lực hành vi dân sự và giao dịch với tài sản của vợ bạn phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện
Vợ bị bệnh tâm thần có được xem là người mất năng lực hành vi dân sự không? Trong trường hợp này chồng có được bán tài sản chung không?
Người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự là ai?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân đối với với người mất năng lực hành vi dân sự sẽ là người giám hộ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ của người mất năng lực hành vi nhân sự như sau:
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Như vậy, nếu tòa án tuyên bố vợ bạn là người mất năng lực hành vi dân sự thì bạn sẽ trở thành người giám hộ hợp pháp đồng thời là người đại diện theo pháp luật của vợ bạn.
Vợ bị tâm thần thì chồng có được bán miếng đất hay không?
Theo Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của người giám hộ như sau:
Điều 58. Quyền của người giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Vì bạn là người giám hộ của vợ, chính vì vậy bạn được đại diện cho vợ bạn để tham gia các giao dịch bao gồm việc bán tài sản chung vợ chồng bạn (Miếng đất rộng 250m2) nhằm mục đích chăm sóc, chữa bệnh, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của vợ bạn tuy nhiên phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Vấn đề thủ tục chuyển nhượng bạn phải tiến hành thủ tục Công chứng, chứng thực và làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nội dung kiểm tra giám sát đảng viên của chi bộ? Nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng thế nào?
- Giá trị của hàng hóa là gì? Giá trị của hàng hóa được biểu hiện thông qua đâu? Giá thành toàn bộ của hàng hóa gồm những gì?
- Mẫu hợp đồng giao khoán nội bộ trong xây dựng mới nhất? Tải về mẫu hợp đồng giao khoán nội bộ?
- Mẫu bảng kê hàng hóa bán ra? Tải mẫu bảng kê? Phải lập Bảng kê hàng hóa bán ra trong trường hợp nào?
- Diện tích tính tiền thuê đất được tính theo đơn vị nào? Tiền thuê đất có nằm trong khoản thu ngân sách từ đất đai không?