Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không?

Cho hỏi: Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không? Căn cứ nào để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện rút quyết định truy tố? Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì có yêu cầu Tòa án đình chỉ vụ án hay không? câu hỏi của chị Thùy (Nghệ An).

Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không?

Căn cứ tiểu mục 4 Mục II Công văn 89/TANDTC-PC năm 2020 quy định như sau:

TỐ TỤNG HÌNH SỰ
...
4. Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì bản án có phải xem xét, đánh giá tính có căn cứ của việc rút truy tố của Viện kiểm sát hay không?
Về vấn đề này, trước đây Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự” và Công văn số 328/NCPL ngày 22-6-1993 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, nếu tại phiên toà, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một tội hoặc một số tội và giữ nguyên quyết định truy tố đối với các tội khác hay Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc các bị cáo còn lại thì đây là các trường hợp Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố. Vì vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận được ghi trong bản án.

Như vậy, trường hợp Kiểm sát viên chỉ rút một phần quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó.

Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không?

Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không? (hình từ internet)

Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì có yêu cầu Tòa án đình chỉ vụ án hay không?

Tại Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

Viện kiểm sát rút quyết định truy tố
Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

Theo đó, trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì việc rút truy tố phải được thực hiện trước khi mở phiên tòa và phải đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

Căn cứ nào để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện rút quyết định truy tố?

Cũng tại Điều 285 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi đã có quyết định truy tố, nếu xét thấy có một trong những căn cứ sau thì Viện kiểm sát nhân dân sẽ rút lại quyết định truy tố, cụ thể:

Trường hợp 01: Thuộc các trường hợp không khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021, cụ thể như sau:

Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Trường hợp 02: Thuộc trường hợp tự ý nủa chừng chấm dứt việc phạm tội quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Trường hợp 03: Thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 điểm a khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và điểm a khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:

Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp 04: Miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:

Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Phạm Thị Xuân Hương Lưu bài viết
2,670 lượt xem
Quyết định truy tố
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì tòa án có tiếp tục xét xử toàn bộ vụ án không?
Pháp luật
Ý kiến bổ sung làm rõ nội dung quyết định truy tố hình sự của Kiểm sát viên theo thủ tục rút gọn được quy định như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.


TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Quyết định truy tố

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Quyết định truy tố

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào