Việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ được thực hiện theo quy trình cụ thể nào?
Viện trợ quốc tế khẩn cấp là gì?
Viện trợ quốc tế khẩn cấp
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 50/2020/NĐ-CP, viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ là các khoản viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của Bên viện trợ để thực hiện các hoạt động cứu trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Phòng, chống thiên tai 2013, được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 32 Luật Phòng chống thiên tai 2013, được sửa đổi bởi điểm a khoản 18 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 quy định các hoạt động cứu trợ bao gồm:
- Cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;
- Đối tượng được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương;
- Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.”;
Việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ được thực hiện theo quy trình nào?
Quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 50/2020/NĐ-CP gồm:
(1) Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ.
(2) Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ.
(3) Thực hiện tiếp nhận viện trợ.
Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ
Căn cứ Điều 7 Nghị định 50/2020/NĐ-CP, việc chuẩn bị tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp được thực hiện như sau:
- Không quá 01 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin của Bên viện trợ, cơ quan chủ quản giao một đơn vị trực thuộc làm chủ khoản viện trợ.
- Chủ khoản viện trợ phối hợp với Bên viện trợ để thống nhất các nội dung chính của khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ gồm: hình thức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, số lượng và giá trị phân bổ, cách thức và địa điểm tiếp nhận và các nội dung khác liên quan.
Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ
Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 50/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc tiếp nhận các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, các khoản viện trợ chưa xác định cơ quan chủ quản, các khoản viện trợ có nội dung nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật;
b) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận các khoản viện trợ không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
(2) Trình tự phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ:
a) Cơ quan chủ quản gửi văn bản kèm theo hồ sơ trình phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan thông qua hình thức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản hoặc các hình thức lấy ý kiến khác và tổng hợp ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tối đa không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ.
(3) Trình tự phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này:
a) Chủ khoản viện trợ lập hồ sơ tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và trình cơ quan chủ quản;
b) Cơ quan chủ quản chủ trì, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan thông qua hình thức họp lấy ý kiến hoặc các hình thức khác;
c) Cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ;
d) Thời gian xem xét, phê duyệt quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ tối đa không quá 03 ngày kể từ ngày cơ quan chủ quản nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
(4) Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bao gồm:
a) Tờ trình về việc phê duyệt tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ (nội dung tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này);
b) Văn bản của Bên viện trợ thông báo hoặc thỏa thuận viện trợ, danh mục các khoản viện trợ (có bản dịch tiếng Việt kèm theo);
c) Các tài liệu khác liên quan đến khoản viện trợ theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 50/2020/NĐ-CP, việc tiếp nhận viện trợ khẩn cấp quốc tế để cứu trợ được thực hiện cụ thể như sau:
(1) Sau khi việc tiếp nhận viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ khoản viện trợ thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Thông báo cho Bên viện trợ về quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Trình cơ quan chủ quản ban hành văn bản thông báo tới các cơ quan liên quan để phối hợp tiếp nhận viện trợ;
c) Thông báo cho các cơ quan, địa phương có liên quan về kế hoạch hoạt động đối với viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng hình thức cung cấp chuyên gia và động vật hỗ trợ đi cùng;
d) Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng hàng hóa: Chủ khoản viện trợ thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật;
đ) Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng tiền: Chủ khoản viện trợ mở tài khoản tiếp nhận viện trợ (đối với trường hợp chưa có tài khoản tiếp nhận viện trợ) hoặc thông báo tài khoản với Bên viện trợ (đối với trường hợp đã có tài khoản tiếp nhận viện trợ) để tiếp nhận tiền hỗ trợ. Khoản viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng ngoại tệ phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được cấp phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được cấp phép theo quy định của pháp luật.
(2) Căn cứ Quyết định về việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ, chủ khoản viện trợ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tiếp nhận và thực hiện viện trợ khẩn cấp để cứu trợ.
Như vậy, trên đây là quy định về mục đích và quy trình thực hiện tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?
- Tải mẫu biên bản cuộc họp công ty năm 2025 hoàn chỉnh? File Word biên bản cuộc họp công ty mới nhất?