Việc thanh toán tiền lãi, tiền gốc trái phiếu Chính phủ được thực hiện khi nào? Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo những phương thức gì?
Việc thanh toán tiền lãi, tiền gốc trái phiếu Chính phủ được thực hiện khi nào?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ như sau:
Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ
1. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ:
a) Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.
b) Các kỳ hạn khác của trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.
2. Mệnh giá phát hành: Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
3. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
4. Hình thức trái phiếu Chính phủ
a) Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.
b) Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu Chính phủ đối với mỗi đợt phát hành.
5. Lãi suất trái phiếu Chính phủ
a) Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.
b) Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
6. Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ
a) Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.
b) Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.
...
Theo đó, việc thanh toán tiền lãi và tiền gốc của trái phiếu Chính phủ sẽ được thực hiện như sau:
* Tiền lãi
- Được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.
* Tiền gốc
- Được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.
Trái phiếu Chính phủ (Hình từ Internet)
Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo những phương thức gì?
Theo khoản 7 Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì trái phiếu Chính phủ được phát hành theo những phương thức sau đây:
- Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ
Đây là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu.
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ
Bảo lãnh phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành bao gồm:
+ Tổ chức bảo lãnh chính và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh chính;
+ Tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh phát hành.
- Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ
Đây là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua.
Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức nào?
Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về giao dịch trái phiếu Chính phủ như sau:
Giao dịch trái phiếu Chính phủ
1. Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
2. Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các loại hình sau:
a) Mua bán thông thường;
b) Mua bán lại và bán kết hợp mua lại;
c) Các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
3. Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
a) Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá 01 năm;
b) Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau: khối lượng; lãi suất (hoặc giá trái phiếu); kỳ hạn; tài sản bảo đảm; tỷ lệ phòng ngừa rủi ro; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan- xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận.
...
Như vậy, trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận hoặc có thể kết hợp cả 02 hình thức nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?