Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện nào?
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài có quyền hạn và nhiệm vụ gì?
- Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện nào?
- Trình tự thủ tục để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thực hiện ra sao?
Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài có quyền hạn và nhiệm vụ gì?
Theo Điều 22 Nghị định 08/2014/NĐ-CP quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
1. Văn phòng đại diện, chi nhánh có các quyền sau đây:
a) Được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Có con dấu mang tên văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật khác có liên quan;
c) Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;
d) Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;
đ) Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định của pháp luật khác có liên quan;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
2. Văn phòng đại diện, chi nhánh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hoạt động theo đúng nội dung, lĩnh vực hoạt động quy định trong Giấy phép thành lập;
b) Thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật khác có liên quan;
c) Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ báo cáo bằng văn bản về hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam cho cơ quan cấp Giấy phép thành lập trước ngày 15 tháng 12 hằng năm; báo cáo, cung cấp tài liệu, giải thích những vấn đề liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
d) Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, về quyền và nghĩa vụ đối với văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải tuân theo khoản 1, khoản 2 Điều 22 nêu trên.
Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài (Hình từ Internet)
Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định về văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ cần đảm bảo có đủ các điều kiện sau đây:
Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
...
2. Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động;
b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này;
c) Hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu;
d) Cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chiếu theo đó, điều kiện được nêu tại khoản 3 Điều 11 Luật Khoa học và công nghệ 2013 là:
- Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;
- Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;
- Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.
Trình tự thủ tục để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thực hiện ra sao?
Theo khoản 2 và khoản 4 Điều 21 Nghị định 08/2014/NĐ-CP quy định:
Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
...
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện do đại diện có thẩm quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài ký;
b) Bản sao giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền thành lập xác nhận. Trong trường hợp giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của tổ chức nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm;
c) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương trong năm tài chính gần nhất của tổ chức khoa học và công nghệ;
d) Bản sao điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
đ) Lý lịch tư pháp người đứng đầu văn phòng đại diện của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
e) Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép đặt trụ sở của văn phòng đại diện.
Các giấy tờ quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản này phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự.
...
4. Trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được lập thành 02 (hai) bộ và gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh và gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện, chi nhánh đặt trụ sở;
c) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản để tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;
d) Trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp Giấy phép, nếu xét thấy cần thiết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập;
đ) Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền yêu cầu tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài xuất trình các tài liệu liên quan để chứng minh nêu trong hồ sơ có thông tin cần làm rõ;
e) Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài và nêu rõ lý do.
Như vậy, trước tiên phải có đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm các yêu cầu theo khoản 2 Điều 22 nêu trên.
Sau đó, về trình tự thủ tục thành lập văn phòng đại diện thực hiện như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập được lập thành 02 (hai) bộ và gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài Giấy phép thành lập văn phòng đại diện và gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Lưu ý: Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền yêu cầu tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài xuất trình các tài liệu liên quan để chứng minh nêu trong hồ sơ có thông tin cần làm rõ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mùng 1 Tết âm 2025 mặc màu gì? Mùng 1 mặc màu gì theo mệnh, tuổi để cả năm 2025 gặp may mắn?
- Để được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam với phân bón được nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật có cần kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia không?
- Hồ sơ trình phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ gồm những giấy tờ, tài liệu nào?
- Định mức tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát là bao nhiêu theo quy định pháp luật?
- Tải về mẫu hợp đồng mua bán 3 bên bằng tiếng Anh mới nhất hiện nay? Hợp đồng được thể hiện bằng hành vi cụ thể có giá trị pháp lý không?