Việc khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được dựa vào những căn cứ nào? Ai có quyền ra quyết định khởi tố vụ án này?
Việc khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được dựa vào những căn cứ nào?
Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau:
Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.
Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân như sau:
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định trên, căn cứ khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm này được quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự nêu trên.
Khởi tố vụ án (Hình từ Internet)
Ai có quyền ra quyết định khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân?
Căn cứ Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:
Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.
3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Theo đó, về nguyên tắc cơ quan có quyền ra quyết định khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là cơ quan điều tra.
Tuy nhiên cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có quyền ra quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm này trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình.
Viện kiểm sát cũng có quyền ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp sau:
+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
Và Tòa án cũng có quyền ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Quyết định khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân phải có những nội dung nào?
Theo Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về quyết định khởi tố vụ án hình sự như sau:
Quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp.
Căn cứ Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về văn bản tố tụng như sau:
Văn bản tố tụng
1. Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất.
2. Văn bản tố tụng ghi rõ:
a) Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
b) Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
c) Nội dung của văn bản tố tụng;
d) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
Như vậy, quyết định khởi tố vụ án khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân phải ghi rõ căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và các nội dung sau:
+ Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
+ Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
+ Nội dung của văn bản tố tụng;
+ Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?