Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bắt buộc phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước nào?
- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bắt buộc phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước nào?
- Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tổ chức bị xử phạt thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông không?
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bắt buộc phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật Tần số vô tuyến điện 2009, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 (Có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023) quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như sau:
Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho tổ chức khác sau 05 năm kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần.
Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua thi tuyển hoặc cấp trực tiếp không được chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
2. Điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông phù hợp với băng tần, kênh tần số nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về viễn thông, điều kiện cấp giấy phép quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này và phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng;
b) Tổng độ rộng băng tần được phép sử dụng của tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng quy định tại quy hoạch băng tần;
c) Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết.
3. Căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chấp thuận việc chuyển nhượng; cấp giấy phép sử dụng băng tần cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi hoàn thành chuyển nhượng.
4. Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo quy định trên, căn cứ vào các điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chấp thuận việc chuyển nhượng; cấp giấy phép sử dụng băng tần cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi hoàn thành chuyển nhượng.
Trước đây, khoản 1 Điều 24 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định:
Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định như sau:
a) Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần, kênh tần số thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho tổ chức khác;
b) Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đang còn hiệu lực;
c) Tổ chức nhận quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải đáp ứng quy định về đối tượng tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 18 và điều kiện cấp giấy phép quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;
d) Được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông;
đ) Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật vê thuế;
e) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Tần số vô tuyến điện (Hình từ Internet)
Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tổ chức bị xử phạt thế nào?
Theo điểm a khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 61 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như sau:
Vi phạm các quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trúng đấu giá nhưng chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông;
...
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo đó, tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 01 tháng đến 03 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông không?
Theo khoản 2 Điều 115 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Như vậy, tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 50.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?
- Lưu học sinh Campuchia hệ đào tạo dài hạn tự lựa chọn phương tiện là xe khách có được hỗ trợ thanh toán giá vé không?
- Vận động viên đe dọa xâm phạm sức khỏe tính mạng trong thi đấu thể thao có bị xử phạt hay không?
- Giới nghiêm là gì? Lệnh giới nghiêm trong hoạt động quốc phòng cần phải xác định những nội dung nào?