Vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định mới? Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế?
Vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định mới là gì?
Căn cứ Điều 1 Quyết định 1689/QĐ-BHXH năm 2024, vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định như sau:
Vụ Pháp chế là đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc), có chức năng giúp Tổng Giám đốc quản lý, điều hành mọi hoạt động của Ngành bằng pháp luật; tổ chức chỉ đạo và thực hiện công tác pháp chế thuộc phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Vụ Pháp chế chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc.
Vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định mới? Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định thế nào?
Tại Điều 2 Quyết định 1689/QĐ-BHXH năm 2024 có quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:
(1) Công tác xây dựng pháp luật và xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng Giám đốc:
+ Tham gia ý kiến đối với các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi xin ý kiến theo sự phân công của Tổng Giám đốc.
+ Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo sự phân công của Tổng Giám đốc.
- Phối hợp với Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý dự thảo nội quy, quy chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo sự phân công của Tổng Giám đốc.
- Tham gia ý kiến đối với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ toàn Ngành do các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương (sau đây gọi là các đơn vị trực thuộc) dự thảo.
(2) Công tác thẩm định văn bản
Thẩm định các văn bản do các đơn vị trực thuộc soạn thảo trước khi trình Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc ký ban hành, bao gồm:
- Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, các quy định, quy trình, quy chế, chương trình, kế hoạch có phạm vi áp dụng toàn Ngành.
- Các đề án, dự án; các văn bản xin ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ gửi Chính phủ, các Bộ, ngành; văn bản trao đổi, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các văn bản cá biệt sau:
+ Văn bản liên quan đến xử lý vi phạm, xử lý kỷ luật, giải quyết tranh chấp;
+ Văn bản giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp;
+ Văn bản liên quan đến vụ việc đã có bản án của Tòa án;
+ Các văn bản liên quan đến thời hạn, thời hiệu, hiệu lực của văn bản;
+ Văn bản liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật.
- Các văn bản khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Ngành.
(3) Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Phối hợp với tổ chức pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
(4) Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Hằng năm, chủ trì xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; trình Tổng Giám đốc kết quả rà soát văn bản và phương án xử lý những văn bản chồng chéo, không phù hợp và kiến nghị việc ban hành văn bản đối với những lĩnh vực chưa có văn bản điều chỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập hợp, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
(5) Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng Giám đốc
+ Ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.
+ Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh)
+ Thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
(6) Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng Giám đốc:
+ Ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm theo quy định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.
+ Tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ngành; hướng dẫn, kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm xã hội tỉnh; xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền nếu có.
- Thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trình Tổng Giám đốc gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Tổng Giám đốc.
(7) Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Tổng Giám đốc quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Tổ chức phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hằng năm theo quy định; Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền nếu có.
- Thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trình Tổng Giám đốc gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
- Phối hợp với đơn vị có liên quan trong việc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(8) Về công tác tham mưu, giúp Tổng Giám đốc các vấn đề pháp lý
- Chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh lập hồ sơ, gửi văn bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả kiến nghị khởi tố theo quy định.
- Hỗ trợ các vấn đề pháp lý đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp khi cơ quan Bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngành theo quy định của pháp luật.
- Có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng và các hợp đồng do các đơn vị trực thuộc trình lãnh đạo Ngành ký khi có yêu cầu của lãnh đạo Ngành.
(9) Về công tác bồi thường nhà nước
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng Giám đốc: Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
(10) Hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ công tác pháp chế đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh; chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý văn bản trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
(11) Giúp Tổng Giám đốc theo dõi, quản lý công tác giám định tư pháp theo vụ việc
- Là đầu mối theo dõi chung về công tác giám định tư pháp theo vụ việc của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu Tổng Giám đốc ra quyết định công nhận, điều chỉnh, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
- Tổng kết, đánh giá về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tư pháp; Hằng năm, trên cơ sở đề xuất khen thưởng của các đơn vị, phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
(12) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tổng hợp báo cáo cải cách hành chính định kỳ gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
(13) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; cải cách hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN; thi đua, khen thưởng; thông tin, tuyên truyền; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
(14) Thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo, văn thư, lưu trữ theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
(15) Quản lý công chức, viên chức, tài sản của đơn vị theo quy định.
(16) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức ra sao?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Quyết định 1689/QĐ-BHXH năm 2024, Vụ Pháp chế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức như sau:
Vụ Pháp chế có Vụ trưởng, không quá 02 (hai) Phó Vụ trưởng và các viên chức. Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Biên chế của Vụ Pháp chế do Tổng Giám đốc giao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời điểm bổ nhiệm tổ trưởng tổ chuyên môn trường trung học cơ sở? Tổ chuyên môn có tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên không?
- Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến hay, chọn lọc? Năm học 2024 2025, học sinh các cấp sẽ học theo chương trình mới đúng không?
- Trầm cảm là gì? Dấu hiệu trầm cảm là gì? Biến chứng nguy hiểm nhất của trầm cảm là gì theo Bộ Y tế?
- Chủ nghĩa kinh nghiệm là gì? Đặc trưng chính của chủ nghĩa kinh nghiệm? Chương trình Lý luận chính trị của sinh viên được quy định thế nào?
- Viết đoạn văn kể lại cuộc trò chuyện của em với bà tiên, ông bụt lớp 4? Yêu cầu cần đạt về đọc hiểu của học sinh lớp 4?