Vận tải hàng nguy hiểm là như thế nào? Vận tải khí ga trên đường sắt có phải là vận tải hàng nguy hiểm?
Vận tải hàng nguy hiểm là như thế nào? Vận tải khí ga có được coi là vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt không?
Theo Điều 62 Luật Đường sắt 2017 quy định về vận tải hàng nguy hiểm như sau:
- Hàng nguy hiểm là hàng khi vận chuyển trên đường sắt có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường.
- Việc vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt phải tuân theo quy định của pháp luật về vận tải hàng nguy hiểm và bảo vệ môi trường.
- Phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật mới được vận tải hàng nguy hiểm.
- Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và điều kiện xếp, dỡ, vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt.
Theo quy định trên có thể hiểu vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt nghĩa là việc vận tải hàng có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường.
Về Danh mục hàng nguy hiểm trên đường sắt, được quy định tại Điều 26 Nghị định 65/2018/NĐ-CP, trong đó bao gồm:
“Điều 26. Phân loại hàng nguy hiểm
1. Căn cứ tính chất hóa, lý, hàng nguy hiểm được phân thành 09 loại và được chia thành các nhóm sau đây:
…
b) Loại 2: Chất khí dễ cháy, độc hại, bao gồm các nhóm sau:
- Nhóm 2.1: Khí ga dễ cháy.
- Nhóm 2.2: Khí ga độc hại.”
Như vậy, việc vận tải khí ga trên đường sắt được xem là vận tải hàng nguy hiểm theo quy định.
Vận tải hàng nguy hiểm là như thế nào?
Yêu cầu đối với người và phương tiện tham gia vận tải hàng nguy hiểm
Yêu cầu đối với người và phương tiện tham gia vận tải hàng nguy hiểm được quy định tại Điều 31 và Điều 32 Nghị định 65/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Yêu cầu đối với người:
- Nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; gác ghi), nhân viên hóa vận tác nghiệp tại ga, lái tàu điều khiển phương tiện vận tải hàng nguy hiểm, thủ kho, người xếp, dỡ hàng nguy hiểm tại các ga, bãi do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và tập huấn nghiệp vụ về vận tải hàng nguy hiểm theo hướng dẫn về nội dung, chương trình của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định này.
- Nội dung tập huấn liên quan đến từng nhóm hàng, loại hàng vận chuyển, bao gồm:
+ Các đặc điểm và tính chất lý học, hóa học của hàng nguy hiểm;
+ Đánh giá và phát hiện các rủi ro, nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các công việc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
+ Các biện pháp phòng ngừa và cải thiện điều kiện lao động khi thực hiện các công việc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
+ Xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình lưu kho, xếp dỡ, bảo quản và vận tải hàng nguy hiểm.
* Yêu cầu đối với phương tiện:
- Phương tiện phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và phù hợp với loại hàng được vận tải.
- Phương tiện vận tải hàng nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nguy hiểm thì người nhận hàng có trách nhiệm tổ chức làm sạch theo đúng quy định không gây ảnh hưởng đến đường sắt và môi trường.
- Nơi làm sạch phương tiện vận tải hàng nguy hiểm tiến hành tại ga có tác nghiệp dỡ hàng nguy hiểm. Các chất thải, nước thải trong quá trình làm sạch phải được thu gom, xử lý, quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Trình tự làm sạch phương tiện: Sau khi phương tiện vận tải hàng nguy hiểm dỡ hàng xong phải được làm sạch theo trình tự sau:
+ Làm sạch khô bằng các phương pháp nạo, vét, quét sạch và thu gom hàng rơi vãi trên phương tiện;
+ Làm sạch ướt phương tiện bằng các chất tẩy rửa, bằng nước sạch;
+ Thu gom quản lý, xử lý các chất thải theo quy định.
Bên cạnh những yêu cầu trên, Nghị định 65/2018/NĐ-CP còn quy định trách nhiệm khi vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt như sau:
* Trách nhiệm trong thực hiện xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm được quy định tại Điều 32 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Người xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm phải thực hiện việc xếp, dỡ, lưu kho hàng nguy hiểm theo đúng quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định này.
- Căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải, của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này và chỉ dẫn của người thuê vận tải, người chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận, tổ chức vận tải hàng nguy hiểm quyết định phương án xếp, gia cố hàng nguy hiểm và chỉ đạo các chức danh liên quan thực hiện việc xếp, dỡ hàng đúng quy định.
+ Việc xếp, gia cố hàng nguy hiểm trên phương tiện giao thông đường sắt phải theo đúng phương án xếp hàng; không xếp chung các loại hàng nguy hiểm có tính chất tăng cường hoặc tạo ra sự nguy hiểm cao hơn khi được xếp chung với nhau trong cùng một toa xe;
+ Việc lập tàu vận tải hàng nguy hiểm phải thực hiện theo đúng quy định về vận tải loại, nhóm hàng đó.
- Việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trong kho, bãi của ga, cảng cạn phải theo hướng dẫn của thủ kho. Căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải, của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này và chỉ dẫn của người thuê vận tải, thủ kho hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trong kho, bãi và chịu trách nhiệm trong thời gian hàng nguy hiểm lưu tại kho, bãi.
- Đối với loại, nhóm hàng nguy hiểm theo quy định phải xếp, dỡ, lưu kho ở nơi riêng biệt thì phải được xếp, dỡ, lưu kho ở khu vực riêng để bảo đảm an toàn theo đặc trưng của hàng đó.
- Sau khi đưa hết hàng nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.
* Trách nhiệm của người trực tiếp liên quan đến vận tải hàng nguy hiểm theo Điều 34 Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định:
- Người trực tiếp liên quan đến vận tải hàng nguy hiểm bao gồm nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, nhân viên tổ dồn, nhân viên hóa vận, lái tàu điều khiển phương tiện vận tải hàng nguy hiểm; ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Đường sắt và các quy định có liên quan trong Nghị định này, còn có trách nhiệm sau đây:
+ Chấp hành quy định ghi trong giấy phép đối với hàng nguy hiểm về loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm quy định phải có giấy phép;
+ Thực hiện các chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng nguy hiểm;
+ Khi phát hiện hàng nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác trong quá trình vận tải, khẩn trương thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc loại trừ khả năng gây hại của hàng nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan xử lý; trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thời.
- Ngoài các quy định tại Khoản 1 Điều này nhân viên hóa vận phải:
+ Lập hồ sơ hàng nguy hiểm gồm giấy vận chuyển, sơ đồ xếp hàng và các giấy tờ có liên quan khác;
+ Thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng trên phương tiện, bảo quản hàng nguy hiểm trong quá trình vận tải khi không có người áp tải hàng;
+ Khi phát hiện hàng nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác trong quá trình vận tải, khẩn trương thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc loại trừ khả năng gây hại của hàng nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan xử lý; trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thời.
* Trách nhiệm của người thuê vận tải hàng nguy hiểm quy định tại Điều 36 Nghị định 65/2016/NĐ-CP như sau:
- Có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp cho loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm quy định phải có Giấy vận tải hàng nguy hiểm.
- Lập tờ khai gửi hàng nguy hiểm theo quy định và giao cho người vận tải trước khi xếp hàng lên phương tiện, trong đó ghi rõ: Tên hàng nguy hiểm; mã số; loại, nhóm hàng nguy hiểm; khối lượng tổng cộng; loại bao bì; số lượng bao, gói; ngày, nơi sản xuất; họ và tên, địa chỉ người thuê vận tải hàng nguy hiểm, người nhận hàng nguy hiểm.
- Thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp vận tải hàng nguy hiểm về những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận tải; hướng dẫn xử lý trong trường hợp có sự cố do hàng nguy hiểm gây ra, kể cả trong trường hợp có người áp tải; chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác hoặc không hợp lệ các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.
- Tổ chức áp tải hàng đối với loại, nhóm hàng nguy hiểm mà các bộ quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này quy định phải có người áp tải. Người áp tải hàng nguy hiểm có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện; cùng trưởng tàu hoặc người thực hiện nhiệm vụ trưởng tàu và những người liên quan bảo quản hàng để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra trong quá trình vận tải.
5. Mua bảo hiểm hàng nguy hiểm khi vận tải trên đường sắt theo quy định của pháp luật.
* Trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải hàng nguy hiểm theo Điều 37 Nghị định 65/2016/NĐ-CP như sau:
- Chỉ tiến hành vận tải khi có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm và hàng nguy hiểm có đủ giấy tờ, được đóng gói, dán nhãn theo đúng quy định.
- Kiểm tra hàng nguy hiểm, bảo đảm an toàn vận tải theo quy định.
- Thực hiện các chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải và những quy định ghi trong giấy phép đối với hàng nguy hiểm.
- Chỉ đạo những người trực tiếp liên quan đến vận tải hàng nguy hiểm thực hiện quy định về vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt.
- Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
* Trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân địa phương khi xảy ra sự cố trong quá trình vận tải hàng nguy hiểm theo Điều 38 Nghị định 65/2016/NĐ-CP như sau:
Khi nhận được thông báo có sự cố xảy ra trong quá trình vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt thì Ủy ban nhân dân nơi gần nhất có trách nhiệm huy động lực lượng để khẩn trương thực hiện các công việc sau đây:
- Cứu người, phương tiện, hàng nguy hiểm.
- Đưa nạn nhân (nếu có) ra khỏi khu vực xảy ra sự cố và tổ chức cấp cứu nạn nhân.
- Khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ô nhiễm, độc hại đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên huy động các lực lượng phòng hỏa, phòng hóa, phòng dịch, bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý sự cố, khắc phục hậu quả.
- Tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, bảo vệ hàng nguy hiểm, phương tiện để tiếp tục vận tải và phục vụ công tác điều tra, giải quyết hậu quả.
Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm
Trường hợp phải có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm quy định cụ thể như sau:
Người thuê vận tải hàng nguy hiểm có trách nhiệm phải có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp được quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
Theo Điều 40 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định về Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm như sau:
- Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm do các cơ quan có thẩm quyền quy định Nghị định này cấp cho người thuê vận tải hàng nguy hiểm.
- Mẫu Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thực hiện theo các Mẫu số 01 và số 07 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
- Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được cấp theo từng lô hàng.
- Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm về cháy nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được quy định tại Điều 39 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Bộ Công an cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này và không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
- Bộ Quốc phòng cấp Giấy phép vận tải hoặc mệnh lệnh vận chuyển hàng nguy hiểm thuộc loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
- Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thuộc các loại 5, 7 và 8 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này;
- Bộ Y tế quy định việc cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho các loại thuốc bảo vệ thực vật;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thuộc các loại 6 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.
Căn cứ mức độ nguy hiểm của hàng nguy hiểm, các cơ quan có thẩm quyền nêu trên có trách nhiệm quy định loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm bắt buộc người thuê vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm khi vận tải trên đường sắt.
* Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm quy định tại Điều 41 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Hồ sơ:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thực hiện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận tải hàng nguy hiểm;
+ Bảng kê danh mục, khối lượng và tuyến vận tải hàng nguy hiểm (ga đi, ga đến); danh sách người áp tải hàng nguy hiểm thực hiện theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với hợp đồng vận tải hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận tải hàng nguy hiểm bằng đường sắt giữa người thuê vận tải hàng nguy hiểm với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
+ Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận tải hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm;
+ Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận tải theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
- Trình tự, thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm:
+ Người thuê vận tải hàng nguy hiểm hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm (được người thuê vận tải hàng nguy hiểm ủy quyền) lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi trực tiếp, gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này để cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này có trách nhiệm cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho người đề nghị; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 02 ngày làm việc phải có văn bản trả lời và hướng dẫn người đề nghị hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
+ Nếu thông tin trong hồ sơ đăng ký khai báo sai hoặc hàng nguy hiểm vận tải với khối lượng lớn hoặc có tính nguy hại cao, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định này tổ chức kiểm tra điều kiện vận tải hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định này trước khi cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm. Thời hạn kiểm tra, cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trong trường hợp này là 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
+ Thời hạn hiệu lực của Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm: Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được cấp cho từng lô hàng nguy hiểm cần vận tải bằng đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày cấp và hết hiệu lực khi lô hàng đó đã được vận tải đến nơi nhận theo hợp đồng vận chuyển.
+ Cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm: Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được cấp lại trong các trường hợp bị mất, bị hư hỏng hoặc nội dung ghi trong Giấy phép bị mờ, không còn thể hiện đầy đủ nội dung. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm, gồm:
(i) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thực hiện theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
(ii) Báo cáo hoạt động vận tải hàng nguy hiểm với lô hàng đã được cấp Giấy phép vận tải thực hiện theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
(iii) Bản chính Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm bị hư hỏng.
- Các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định này có trách nhiệm tổ chức công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình về tên cơ quan, số điện thoại, địa chỉ cơ quan cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ công tác.
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn cấp giấy phép vận tải chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; trường hợp vận tải vật liệu nổ thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Như vậy, vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt được hiểu là vận tải hàng có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường. Việc vận tải khí ga trên đường sắt được coi là vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt vì khí ga thuộc Danh mục hàng nguy hiểm do Chính phủ quy định.
Theo đó, pháp luật quy định một số yêu cầu và trách nhiệm đối với người và phương tiện khi tham gia vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt. Đối với người thuê vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong trường này, người thuê vận tải hàng nguy hiểm phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kho ngoại quan là kho, bãi lưu trữ hàng hóa chờ xuất khẩu hay chờ nhập khẩu theo quy định pháp luật?
- Giao dịch nội bộ của hợp tác xã gồm các hoạt động nào? Tăng tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ có là tiêu chí xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước?
- Báo cáo của Tổ chức đấu thầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước theo Thông tư 76/2024 thế nào?
- Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng theo Luật Đất đai mới nhất?
- Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Nghị định 143/2024 thế nào?