Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có quyền huy động vốn từ ngân hàng theo quy định không?
Đối tượng nào được vay vốn tại tổ chức tín dụng? Điều kiện vay vốn tại ngân hàng là gì?
Đối tượng nào được vay vốn tại tổ chức tín dụng?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:
- Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
Điều kiện vay vốn tại ngân hàng là gì?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Điều 2 Thông tư 06/2023/TT-NHNN về điều kiện vay vốn:
Theo đó, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Về chủ thể vay vốn:
(i) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
(ii) Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
Ngoài ra, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cần đảm bảo những nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, cụ thể:
- Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có quyền huy động vốn từ ngân hàng hay không?
Căn cứ tại khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005 định nghĩa về văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:
6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân:
Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Thêm vào đó, như đã phân tích ở trên thì khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là pháp nhân, cá nhân.
Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy rằng, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài không được huy động vốn từ ngân hàng.
Bởi:
- Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, không phải là pháp nhân.
- Mục đích thành lập: để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có quyền huy động vốn từ ngân hàng hay không? (Hình từ Internet)
Văn phòng đại diện chỉ được sử dụng tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ vào mục đích gì?
Căn cứ tại Điều 17 Luật Thương mại 2005 về quyền của Văn phòng đại diện:
Quyền của Văn phòng đại diện
1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
3. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
5. Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, văn phòng đại diện chỉ được sử dụng tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài phát biểu tất niên xóm, tổ dân phố hay và ý nghĩa 2025? Bài phát biểu tất niên xóm ngắn gọn?
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?