Tư pháp là gì? Quyền tư pháp là gì? Cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp, giám sát thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam?
Tư pháp là gì? Quyền tư pháp là gì?
Theo thuyết tam quyền phân lập, tư pháp là một trong ba quyền của quyền lực nhà nước: lập pháp (làm pháp luật, ban hành pháp luật); hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp (giữ gìn, bảo vệ pháp luật, xử lý các việc vi phạm pháp luật). Theo quan điểm của nhà nước Việt Nam, tư pháp chỉ công việc tổ chức giữ gìn, bảo vệ pháp luật.
Theo Điều 2 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
Điều 2.
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo đó, quyền tư pháp là một trong ba quyền lực nhà nước cơ bản (bên cạnh quyền lập pháp và quyền hành pháp).
Tư pháp là gì? Quyền tư pháp là gì? Cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp, giám sát thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp, giám sát thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 102.
1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời tại Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 107.
1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
2. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
3. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Theo đó, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện quyền tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện giám sát hoạt động tư pháp.
Tòa án nhân dân có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân được quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 như sau:
(1) Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
(2) Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
(3) Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
- Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
- Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
- Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;
- Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
(4) Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
(5) Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.
(6) Ra quyết định thi hành bản án hình sự, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự.
Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
(7) Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.
(8) Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
(9) Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu tờ trình đề nghị cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mới nhất? Tải về ở đâu?
- Hội viên Hội công chứng viên phải báo cáo với ai về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng do mình đứng đầu?
- Có xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với người nước ngoài không? Có mấy hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai?
- Thuế suất thuế GTGT hoạt động xây dựng từ 1/7/2025 là bao nhiêu? Thuế VAT tháng 7 2025 là bao nhiêu?
- Mua hàng Chợ Tết công đoàn từ ngày mấy đến ngày mấy? Ai được mua hàng Chợ Tết công đoàn? Công đoàn Việt Nam là tổ chức thế nào?