Từ năm 2025, người lái xe máy có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ? 07 hành vi nghiêm cấm người lái xe máy khi tham gia giao thông?
Từ năm 2025, người lái xe máy có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Theo quy định nêu trên thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Theo đó, chỉ bắt buộc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, từ năm 2025, người lái xe máy không phải khám sức khỏe định kỳ khi tham gia giao thông đường bộ.
Từ năm 2025, người lái xe máy có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ? (hình từ internet)
07 hành vi nghiêm cấm người lái xe máy khi tham gia giao thông?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm người lái xe máy thực hiện các hành vi sau đây khi tham gia giao thông:
(1) Đi xe dàn hàng ngang;
(2) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
(3) Sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
(4) Buông cả hai tay; đi xe bằng một bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy hai bánh; đi xe bằng hai bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy ba bánh;
(5) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
(6) Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
(7) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Lưu ý: Một điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 là người lái xe được chở tối đa hai người trong các trường hợp sau đây:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 12 tuổi;
- Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Quyền và trách nhiệm của người lái xe máy khi tham gia giao thông như thế nào?
Căn cứ theo Điều 72 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì khi tham gia giao thông, người lái xe máy có quyền và trách nhiệm sau đây:
(1) Người lái xe máy được quyền:
- Được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật này;
- Được thông báo về căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát; nội dung và kết quả kiểm tra, kiểm soát; hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp xử lý;
- Giải trình, khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về tố cáo;
- Báo tin, tố giác, phản ánh những trường hợp vi phạm pháp luật.
(2) Người lái xe máy phải:
- Chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát;
- Hỗ trợ, hợp tác với lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quá trình phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.
Lưu ý: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản họp thống nhất tiến độ thi công xây dựng công trình mới nhất? Tiến độ thi công xây dựng được lập khi nào?
- Mẫu Kế hoạch trực Tết Nguyên đán 2025 mới nhất? Tải mẫu Kế hoạch trực Tết Nguyên đán 2025 mới nhất?
- Từ 01/01, cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng? Hướng dẫn cách cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông?
- Rẽ phải khi đèn đỏ năm 2025, xe máy và xe ô tô bị phạt bao nhiêu tiền? Bị trừ bao nhiêu điểm giấy phép xe?
- Năm 2025, Phụ huynh giao xe cho con không đủ tuổi lái xe máy 110cc bị phạt bao nhiêu tiền theo Nghị định 168?