Từ 01/7/2025, lãi suất trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu? Hành vi nào được xem là trốn đóng BHXH bắt buộc?
Từ 01/7/2025, lãi suất trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về lãi suất trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
1. Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Như vậy, từ 01/7/2025, lãi suất trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Từ 01/7/2025, lãi suất trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu? Hành vi nào được xem là trốn đóng BHXH bắt buộc? (Hình từ Internet)
Mức phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về hành vi chậm đóng BHXH như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
...
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
...
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.
Như vậy, mức phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH cho người lao động thì ngoài việc công ty buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc cho cơ quan BHXH mà còn bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức có hành vi chậm đóng BHXH sẽ có mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Hành vi nào được xem là trốn đóng BHXH bắt buộc?
Căn cứ theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về các hành vi được xem là trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm:
(1) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
(2) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
(3) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
(4) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
(5) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
(6) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
(7) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Các trường hợp trên có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Các quy định về đấu nối hệ thống thoát nước phải được thông báo cho ai? Yêu cầu đấu nối hệ thống thoát nước là gì?
- Công văn 31 về thực hiện Nghị định 178 năm 2024 giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách khi sắp xếp bộ máy?
- Chạy xe quá tải phạt bao nhiêu 2025? Thời hạn có hiệu lực của giấy phép lưu hành xe quá tải trọng?
- Mẫu Quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ là mẫu nào? Tải mẫu? Đại hội Đảng bộ được xem là hợp lệ khi nào?
- Mẫu quyết định bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần mới nhất? Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần do ai bầu?