Trường hợp nào được công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế? Hồ sơ, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản được quy định như thế nào?
Trường hợp nào được công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định về trường hợp công chứng văn bản khai nhận di sản như sau:
"1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản."
Theo đó, việc khai nhận di sản thừa kế là nhà đất chỉ xảy ra trong 02 trường hợp:
- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật.
- Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó (không áp dụng đối với người thừa kế theo di chúc).
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn là người duy nhất được hưởng di sản có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Khai di sản thừa kế
Hồ sơ, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định:
"Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản
1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản."
Theo đó tại khoản 2, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng 2014 quy định:
"2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng."
Bên cạnh đó tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định:
"Điều 18. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản
1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết."
Theo quy định trên trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế:
- Bước 1: Người yêu cầu công chứng tập hợp đủ các giấy tờ trên rồi nộp cho Công chứng viên;
- Bước 2: Khi nhận đủ giấy tờ, văn phòng công chứng sẽ thực hiện thủ tục niêm yết thừa kế 15 ngày tại trụ sở ủy ban nhân dân xã phường nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản trước khi chết và niêm yết tại nơi có bất động sản;
- Bước 3: Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của Uỷ ban nhân dân Phường, Công chứng viên hẹn ngày ký và soạn Văn bản khai nhận thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế;
- Bước 4: Tất cả những người thuộc diện thừa kế mang toàn bộ bản gốc giấy tờ đã nộp đến Văn phòng Công chứng và ký văn bản khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế;
- Bước 5: Nộp lệ phí, làm thủ tục đóng dấu vào văn bản khai nhận thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Thời hạn khai nhận di sản thừa kế trong thời gian bao lâu?
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."
Như vậy, thời hạn khai nhận di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?