Trong hợp đồng mua bán hàng hóa bên bán có phải chịu trách nhiệm về hư hỏng của hàng hóa khi hàng hóa đó đã được giao đến địa điểm giao hàng không?
- Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
- Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
- Địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định như thế nào?
- Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán có phải chịu trách nhiệm về hư hỏng của hàng hóa khi hàng hóa đó đã được giao đến địa điểm giao hàng không?
Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau:
Hợp đồng mua bán tài sản
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Từ đó, ta có thể định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Căn cứ Điều 24 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá
1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác định bằng một hành vi cụ thể. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng mua bán hàng hóa
Địa điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 35 Luật Thương mại 2005 quy định về địa điểm giao hàng như sau:
Địa điểm giao hàng
1. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.
2. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
a) Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
b) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
c) Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
d) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận. Nếu giữa các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng sẽ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 35 nêu trên.
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán có phải chịu trách nhiệm về hư hỏng của hàng hóa khi hàng hóa đó đã được giao đến địa điểm giao hàng không?
Căn cứ Điều 57 Luật Thương mại 2005 quy định về chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định như sau:
Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.
Theo đó, trừ trường hợp giữa hai bên có thỏa thuận khác, nếu các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận địa điểm giao hàng xác định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn và bên mua không có thỏa thuận khác nên ngay khi hàng hóa được giao cho người mua tại địa điểm giao hàng đã thỏa thuận thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá đã được chuyển cho bên mua. Do đó, bạn không phải chịu trách nhiệm cho hư hỏng của hàng hóa này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong giáo dục, niên chế nghĩa là gì? Đối với giáo dục đại học, chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo niên chế hay theo tín chỉ?
- Tảo mộ là gì? Đi tảo mộ vào ngày mấy Tết Âm lịch? Nghỉ Tết Âm lịch bắt đầu từ ngày mấy Dương lịch?
- Cá nhân đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất có được gửi hồ sơ qua bưu điện không?
- Điều kiện thành lập trung tâm học tập cộng đồng công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm học tập cộng đồng tư thục?
- Thủ tục từ chức lãnh đạo, quản lý, xin thôi việc đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Nội vụ như thế nào?