Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được thực hiện thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?
Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là gì?
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan (hay còn gọi là quyền liên quan đến quyền tác giả) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) thì đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Khi tiến hành các thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như: cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân phải nộp phí, lệ phí theo quy định.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là gì? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan?
Theo hướng dẫn tại các Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022); Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 202); Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP; Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được thực hiện theo 2 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan:
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân được tác giả, chủ sở hữu ủy quyền có thể nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo một trong các cách thức sau đây:
- Nộp trực tiếp,
- Nộp qua dịch vụ bưu chính,
- Nộp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
(1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
Lưu ý: Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về:
- Người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan;
- Thời gian hoàn thành;
- Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng;
- Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh;
- Thời gian, địa điểm, hình thức công bố;
- Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
Tham khảo các mẫu tờ khai quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan cụ thể cho từng đối tượng tại Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL.
(2) 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử) hoặc 02 bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;
(3) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền;
(4) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền, cụ thể:
- Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo: Quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo: Hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế: Văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực;
Trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
Lưu ý: Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực.
(5) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
(6) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;
(7) Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.
Bước 2: Xem xét hồ sơ và trả kết quả:
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ.
Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Lưu ý: Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận ở đâu?
Theo quy định tại Điều 54 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định thì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngoài ra, quyết định cấp, cấp lại, đổi hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan còn được công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?