Trình tự, thủ tục công nhận tuổi nghề cơ yếu như thế nào? Trường hợp nào được tính tuổi nghề cơ yếu?
Trình tự, thủ tục công nhận tuổi nghề cơ yếu như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BQP quy định trình tự, thủ tục công nhận tuổi nghề cơ yếu như sau:
- Đối với người đang làm công tác cơ yếu, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng cơ yếu hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này gửi Cục Cơ yếu các Bộ, ngành theo hệ thống tổ chức quản lý người làm công tác cơ yếu.
- Đối với người làm công tác cơ yếu thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu (nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc), cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BQP gửi Cục Cơ yếu các Bộ, ngành theo hệ thống tổ chức quản lý người làm công tác cơ yếu trước khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BQP, Cục Cơ yếu các Bộ, ngành có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và có công văn gửi Ban Cơ yếu Chính phủ theo Mẫu số 04B ban hành kèm theo Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BQP.
Trường hợp hồ sơ không không hợp lệ, Cục Cơ yếu các Bộ, ngành có văn bản thông báo, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Cục Chính trị - Tổ chức/Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm thẩm định, báo cáo Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét, quyết định công nhận tuổi nghề cơ yếu theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 01/2016/TT-BQP.
Trình tự, thủ tục công nhận tuổi nghề cơ yếu như thế nào? Trường hợp nào được tính tuổi nghề cơ yếu? (Hình từ Internet)
Cách tính tuổi nghề cơ yếu như thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 01/2016/TT-BQP quy định cách tính tuổi nghề cơ yếu như sau:
- Người được tuyển chọn vào tổ chức cơ yếu được tính tuổi nghề cơ yếu như sau:
+ Người được điều động, biệt phái, bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu được tính tuổi nghề cơ yếu từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định làm công tác cơ yếu có hiệu lực;
+ Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu được tính tuổi nghề cơ yếu từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định nhập học;
+ Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu khi chuyển sang làm công tác cơ yếu được tính tuổi nghề cơ yếu từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định làm công tác cơ yếu có hiệu lực.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu thôi việc, chuyển ngành sau đó tiếp tục làm công tác cơ yếu được tính tuổi nghề cơ yếu từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định làm công tác cơ yếu có hiệu lực và được cộng dồn thời gian làm công tác cơ yếu trước đó.
Ví dụ 1: Đồng chí Lê Văn A, hệ số lương 5,90 bậc 9/10 loại Trung cấp nhóm 1 thuộc Bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu, từ tháng 10 năm 1980 đến tháng 12 năm 1994 làm công tác cơ yếu, từ tháng 01 năm 1995 đến tháng 10 năm 2004 làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, tháng 11 năm 2004 thôi việc, tháng 10 năm 2007 có quyết định của cơ quan thẩm quyền làm công tác cơ yếu và công tác đến hết tháng 12 năm 2015 nghỉ hưu. Như vậy, tuổi nghề cơ yếu của đồng chí A được tính như sau:
Từ tháng 10 năm 1980 đến tháng 12 năm 1994 = 14 năm 03 tháng.
Từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 12 năm 2015 = 8 năm 03 tháng.
Cộng = 22 năm 06 tháng.
- Người làm công tác cơ yếu có thời gian làm công tác cơ yếu gồm nhiều giai đoạn thì thời gian tính tuổi nghề cơ yếu bằng tổng thời gian làm công tác cơ yếu của các giai đoạn cộng lại.
Ví dụ 2: Đồng chí Trần Thị B, hệ số lương 6,60 bậc 6/9 thuộc Bảng lương cấp hàm cơ yếu, từ tháng 02 năm 1985 đến tháng 02 năm 2000 là Nhân viên Cơ yếu, tháng 3 năm 2000 chuyển ngành, từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 12 năm 2015 là Trưởng phòng Cơ yếu, tháng 01 năm 2016 nghỉ hưu. Như vậy, tuổi nghề cơ yếu của đồng chí B được tính như sau:
Từ tháng 02 năm 1985 đến tháng 02 năm 2000 = 15 năm 01 tháng.
Từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 12 năm 2015 = 5 năm 10 tháng.
Cộng = 20 năm 11 tháng.
Trường hợp nào được tính tuổi nghề cơ yếu?
Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BQP quy định các trường hợp tính tuổi nghề cơ yếu như sau:
- Tuổi nghề cơ yếu là thời gian làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và thời gian là học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.
- Thời gian làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và thời gian là học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí đủ 12 tháng được tính là 01 (một) tuổi nghề cơ yếu.
-Tuổi nghề cơ yếu được tính từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định người vào làm công tác cơ yếu hoặc quyết định vào đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu và chịu sự quản lý của cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu cho đến khi có quyết định thôi làm việc, học tập trong tổ chức cơ yếu hoặc hy sinh, từ trần trong thời gian làm việc, học tập trong tổ chức cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu được cấp có thẩm quyền quyết định biệt phái hoặc cử đi học tập ở các trường ngoài tổ chức cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu ốm đau, tai nạn, thai sản được cấp có thẩm quyền cho đi điều trị, điều dưỡng ở các cơ sở y tế, đoàn an dưỡng trong và ngoài tổ chức cơ yếu hoặc điều trị tại gia đình.
- Người làm công tác cơ yếu mất tin dưới 06 tháng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được thủ trưởng cơ quan tổ chức sử dụng cơ yếu xác nhận không có chứng cứ đầu hàng địch, phản bội Tổ quốc hoặc tự ý thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu bị địch bắt sau đó trở về cơ quan, đơn vị, nếu không có chứng cứ đầu hàng địch, phản bội Tổ quốc thì thời gian bị địch bắt vẫn được tính tuổi nghề cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu bị Tòa án kết án oan sai và được Tòa án cấp có thẩm quyền tuyên bố không phạm tội, thì thời gian nghỉ việc do bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt vẫn được tính tuổi nghề cơ yếu; trường hợp bị kỷ luật oan bằng hình thức buộc thôi việc hoặc tạm đình chỉ công tác, sau đó được cấp có thẩm quyền sửa sai thì thời gian nghỉ việc do bị kỷ luật oan vẫn được tính tuổi nghề cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu bị Tòa án xử phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo và được giao cho cơ quan, đơn vị quản lý người làm công tác cơ yếu giám sát, giáo dục, tiếp tục công tác thì thời gian chấp hành hình phạt vẫn được tính tuổi nghề cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu phạm tội bị Tòa án xử phạt tù giam, sau thời gian chấp hành xong hình phạt tù nếu không bị buộc thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thì thời gian công tác trước khi bị phạt tù giam được tính tuổi nghề cơ yếu.
- Người làm công tác cơ yếu thôi việc, chuyển ngành trong thời gian dưới 12 tháng nếu được cấp có thẩm quyền quyết định làm công tác cơ yếu thì thời gian thôi việc, chuyển ngành được tính tuổi nghề cơ yếu liên tục.
- Người làm công tác cơ yếu được cử đi theo chế độ phu nhân/phu quân của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?
- Cập nhật giá đất các quận huyện TPHCM từ 31 10 2024? Bảng giá đất mới nhất của TPHCM từ 31 10 2024?
- Tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Việc điều chỉnh vị trí việc làm thực hiện như thế nào?
- Người bị dẫn độ tạm thời có phải trả lại ngay cho Việt Nam sau khi quá trình tố tụng hình sự nước yêu cầu kết thúc không?