Trình tự đánh giá chi tiết an toàn công trình thế nào? Mục đích đánh giá an toàn công trình là gì?
Trình tự đánh giá chi tiết an toàn công trình thế nào?
Căn cứ vào Điều 11 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD quy định trình tự thực hiện đánh giá chi tiết an toàn công trình như sau:
Bước 1: Rà soát chi tiết hồ sơ, tài liệu
- Hồ sơ, tài liệu đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD trong giai đoạn đánh giá chi tiết phải được nghiên cứu, xem xét chi tiết.
- Khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu phải chú ý đến sự khác biệt trong các phương pháp kiểm tra kết cấu, yêu cầu cấu tạo của kết cấu theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế đã áp dụng khi thiết kế và tiêu chuẩn thiết kế áp dụng trong đánh giá.
Bước 2: Khảo sát chi tiết đối với kết cấu
- Kích thước và chi tiết cấu tạo của kết cấu được xác định từ hồ sơ thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công công trình.
Trường hợp không xác định được từ hồ sơ thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công công trình thì kích thước và chi tiết cấu tạo của kết cấu phải được xác định bằng cách khảo sát và đo đạc hiện trạng công trình.
- Các khiếm khuyết hình học của kết cấu (ví dụ: độ cong ban đầu của cột, độ lệch tâm ngẫu nhiên, v.v.) phải được xác định trong quá trình khảo sát và đo đạc hiện trạng công trình.
Trường hợp các giá trị khảo sát và đo đạc được về khiếm khuyết hình học của kết cấu nhỏ hơn sai số cho phép theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng trong đánh giá thì các giá trị này được xác định theo quy định của tiêu chuẩn đó.
Bước 3: Xác định đặc trưng vật liệu kết cấu
- Các đặc trưng vật liệu kết cấu được xác định từ hồ sơ thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công công trình.
Trường hợp không xác định được từ hồ sơ thiết kế xây dựng, bản vẽ hoàn công công trình thì các đặc trưng vật liệu kết cấu phải được xác định bằng thí nghiệm phá hủy hoặc không phá hủy.
- Khi xác định đặc trưng vật liệu kết cấu bằng thí nghiệm, ảnh hưởng của hình dạng và kích thước mẫu thí nghiệm, ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, các hiệu ứng do thời gian chịu tải và ảnh hưởng của môi trường đến kết cấu phải được xét đến.
- Các phương pháp lấy mẫu và thí nghiệm để xác định đặc trưng vật liệu kết cấu phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn áp dụng trong đánh giá có liên quan.
- Kết quả thí nghiệm phải được phân tích và xử lý thống kê.
Bước 4: Khảo sát địa chất công trình
- Số liệu khảo sát địa chất công trình phục vụ cho việc đánh giá an toàn công trình được xác định từ báo cáo kết quả khảo sát xây dựng công trình.
- Trường hợp số liệu khảo sát địa chất công trình không xác định được từ báo cáo kết quả khảo sát xây dựng công trình thì tổ chức đánh giá phải khảo sát hiện trạng địa chất công trình.
Bước 5: Xác định tải trọng và tác động
- Các tải trọng và tác động phải được xác định phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng trong đánh giá. Việc thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, sửa chữa công trình ảnh hưởng đến kết cấu công trình phải được xét đến.
- Các hệ số độ tin cậy về tải trọng đối với tải trọng thường xuyên và tải trọng tạm thời sử dụng trong phân tích kết cấu khi đánh giá phải được xác định phù hợp với quy định của tiêu chuẩn áp dụng trong đánh giá.
Bước 6: Phân tích kết cấu
- Phương pháp phân tích kết cấu được lựa chọn phải căn cứ vào loại kết cấu và vật liệu kết cấu.
- Mô hình tính toán kết cấu áp dụng trong phân tích kết cấu phải phản ánh sát nhất ứng xử của kết cấu và có thể được áp dụng cho cả hệ kết cấu hoặc kết cấu riêng biệt.
- Ảnh hưởng của khuyết tật, hư hỏng, biến dạng của kết cấu, suy thoái của vật liệu kết cấu phải được xét đến trong mô hình tính toán kết cấu.
Bước 8: Kiểm tra kết cấu
- Kiểm tra kết cấu bao gồm: kiểm tra khả năng chịu lực và kiểm tra điều kiện sử dụng bình thường của kết cấu.
- Các hệ số độ tin cậy về vật liệu sử dụng trong kiểm tra kết cấu phải được xác định theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng trong đánh giá.
- Kiểm tra khả năng chịu lực của kết cấu bao gồm: kiểm tra khả năng chịu lực của tiết diện và kiểm tra khả năng chịu lực của liên kết theo quy định của các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu áp dụng trong đánh giá.
- Điều kiện sử dụng bình thường của kết cấu được coi là đảm bảo nếu các giá trị biến dạng, chuyển vị, nứt, v.v. của kết cấu không vượt quá các giá trị giới hạn quy định của các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu áp dụng trong đánh giá.
Bước 9: Báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình
- Báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình phải phản ánh thực tế các công việc đã thực hiện và thể hiện rõ các đánh giá, kết luận, kiến nghị (nếu có).
- Nội dung chính của báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình bao gồm:
+ Thông tin chung về công trình;
+ Thông tin về tổ chức đánh giá;
+ Đối tượng đánh giá, thời điểm đánh giá;
+ Danh mục các hồ sơ, tài liệu phục vụ đánh giá;
+ Kết quả đánh giá sơ bộ;
+ Kết quả đánh giá chi tiết;
+ Kết quả phân tích, kiểm tra kết cấu, v.v.;
+ Kết luận, kiến nghị (nếu có);
+ Họ và tên, chữ ký của cá nhân đảm nhận chủ trì thực hiện đánh giá;
+ Họ và tên, chữ ký, chức vụ của người đại diện theo pháp luật và dấu pháp nhân của tổ chức đánh giá.
Trình tự đánh giá chi tiết an toàn công trình thế nào? Mục đích đánh giá an toàn công trình là gì? (Hình từ Internet)
Mục đích đánh giá an toàn công trình là gì?
Căn cứ vào Điều 4 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD thì mục đích đánh giá an toàn công trình như sau:
Việc đánh giá an toàn công trình là để kịp thời phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe con người ở bên trong và xung quanh công trình, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố, nguy cơ này trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
Bộ Công an có thẩm quyền cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình đối với công trình nào?
Căn cứ vào Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình
...
4. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình xây dựng nằm trên địa bàn tỉnh;
b) Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với công trình chuyên ngành nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
Như vậy, Bộ Công an có thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.