Trách nhiệm lập báo cáo tài chính của kế toán được pháp luật quy định như thế nào? Các đối tượng nào không có quyền yêu cầu xem số sách kế toán?
Báo cáo tài chính là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015 báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Báo cáo tài chính hiện nay áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Căn cứ theo Chuẩn mực số 21 – Trình bày Báo cáo tài chính được ban hành và công bố theo Quyết định 234/2003/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì mục đích lập báo cáo tài chính như sau:
"Báo cáo tài chính phản ánh theo một cấu trúc chặt chẽ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu hữu ích cho số đông những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Để đạt mục đích này báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
a/ Tài sản;
b/ Nợ phải trả;
c/ Vốn chủ sở hữu;
d/ Doanh thu, thu nhập khác, chi phí, lãi và lỗ;
đ/ Các luồng tiền."
Các thông tin này cùng với các thông tin trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính giúp người sử dụng dự đoán được các luồng tiền trong tương lai và đặc biệt là thời điểm và mức độ chắc chắn của việc tạo ra các luồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Trách nhiệm lập báo cáo tài chính của kế toán được pháp luật quy định như thế nào?
Trách nhiệm lập báo cáo tài chính của kế toán
Theo điểm a khoản 2 Điều 29 Luật Kế toán 2015 quy định về việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
"2. Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
a) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
..."
Tại khoản 4 Điều 3 Luật kế toán 2015 cũng quy định như sau:
"4. Đơn vị kế toán là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 của Luật này có lập báo cáo tài chính."
Và Điều 2 Luật Kế toán 2015 quy định đối tượng áp dụng như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
..."
Như vậy, theo quy định trên chỉ ghi nhận đơn vị kế toán có trách nhiệm phải lập báo cáo tài chính, còn cụ thể bộ phận nào của đơn vị kế toán sẽ lập báo cáo tài chính là tùy vào quy chế của từng đơn vị.
Ngoài việc trả lời cho câu hỏi trách nhiệm lập báo cáo tài chính của kế toán, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán, theo quy định tại Điều 50 Luật Kế toán 2015 thì người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán có trách nhiệm như sau:
"Điều 50. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán
1. Tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc quyết định thuê doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán theo đúng quy định của Luật này.
2. Bố trí người làm kế toán trưởng hoặc quyết định thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của Luật này; trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
3. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và chịu trách nhiệm trực tiếp về hậu quả của những sai phạm do mình gây ra; chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
4. Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới."
Các đối tượng nào không có quyền yêu cầu xem số sách kế toán?
Về đối tượng không có quyền yêu cầu xem sổ sách kế toán, hiện cũng không có quy định hướng dẫn. Thực tế một tố chức, cá nhân được xem sổ sách kế toán khi có sự đồng ý của đơn vị kế toán đó hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?