Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án trong vụ án hình sự cho bị hại sau bao lâu kể từ ngày tuyên án?
Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án trong vụ án hình sự cho bị hại sau bao lâu kể từ ngày tuyên án?
Căn cứ Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Giao, gửi bản án
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ.
...
Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị hại trong vụ án hình sự trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án.
Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án trong vụ án hình sự cho bị hại sau bao lâu kể từ ngày tuyên án? (hình từ internet)
Bản án sơ thẩm trong vụ án hình sự phải ghi rõ những nội dung gì?
Tại Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bản án sơ thẩm phải ghi rõ những nội dung sau:
(1) Tên Tòa án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số của bản án và ngày tuyên án;
(2) Họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, dân tộc, tiền án, tiền sự của bị cáo;
(3) Ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện của bị cáo; họ tên của người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và những người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa;
(4) Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị hại, đương sự, người đại diện của họ; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử;
(5) Số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố; tên Viện kiểm sát truy tố; hành vi của bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự và mức hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo; xử lý vật chứng;
(6) Ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập;
(7) Nhận định của Hội đồng xét xử phải phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có tội hay không và nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào.
Nếu bị cáo không có tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật;
(8) Phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra;
(9) Phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
(10) Quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án. Trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì ghi rõ quyết định đó.
Bị hại trong vụ án hình sự là ai? Có những quyền gì?
Tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có giải thích bị hại trong vụ án hình sự là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Cũng theo quy định này thì Bị hại trong vụ án hình sự có các quyền sau:
Bị hại
...
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
4. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.
Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách ghi trách nhiệm nêu gương trong Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 mẫu 02B?
- Bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mẫu 02A-HD KĐ.ĐG thế nào?
- Truy thu thuế là gì? Thời hạn truy thu thuế đối với doanh nghiệp nộp thiếu số tiền thuế là bao lâu?
- Mẫu đơn khởi kiện hàng xóm lấn chiếm đất đai gửi Tòa án? Cách viết đơn khởi kiện hàng xóm lấn chiếm đất đai?
- Điều lệ Đảng quy định thế nào về độ tuổi kết nạp Đảng? Đảng viên phải thường xuyên tự phê bình với Đảng?