Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do phụ nữ làm quản lý có được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước?
Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được hình thành trên cơ sở nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 có định nghĩa như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
20. Tổ chức lại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
21. Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
22. Tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ là tỷ lệ doanh thu của giao dịch nội bộ so với tổng doanh thu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc tỷ lệ chi phí của giao dịch nội bộ so với tổng chi phí của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong một năm tài chính.
...
Đối chiếu theo quy định trên thì tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Như vậy, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được hình thành dựa trên cơ sở hợp đồng hợp tác giữa ít nhất 02 thành viên. Các thành viên này tự nguyện thành lập tổ hợp tác, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện các công việc cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, và cùng hưởng lợi ích cũng như cùng chịu trách nhiệm từ hoạt động của tổ hợp tác.
Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (Hình từ Internet)
Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do phụ nữ làm quản lý có được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước?
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Luật Hợp tác xã 2023 thì tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách khi đáp ứng các tiêu chí sau đây:
(1) Có Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác;
(2) Không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hợp tác xã 2023;
(3) Phát triển thành viên hoặc thực hiện giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hoặc mới thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trường hợp nhiều nhiều tổ hợp tác cùng đáp ứng các tiêu chí trên thì ưu tiên lựa chọn tổ hợp tác theo các tiêu chí sau đây:
- Số lượng thành viên nhiều hơn;
- Số lượng thành viên là người khuyết tật nhiều hơn;
- Số lượng thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn;
- Số lượng thành viên, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn;
- Có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn;
- Hoạt động tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững;
- Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.
Như vậy, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được xem xét thụ hưởng các chính sách của Nhà nước nếu đáp ứng các tiêu chí cơ bản và được ưu tiên nếu có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đúng không?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Hợp tác xã 2023 về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sau:
Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
1. Ngoài các chính sách quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được thụ hưởng các chính sách sau đây:
a) Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
b) Hỗ trợ vốn, giống, khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu;
c) Hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất, đất có mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tập trung.
2. Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người tham gia đấu giá tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng đấu giá tài sản khi nào?
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?