Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông? Cổ đông có được chuyển nhượng cổ phần của mình không?
Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông?
Cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần được quy định tại khoản 6 Điều 52 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) như sau:
Các loại cổ phần, cổ đông
...
4. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền như cổ đông phổ thông, trừ quyền chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
6. Tổ chức tín dụng cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa, trừ ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc quy định tại Mục 1đ Chương VIII của Luật này.
Như vậy, theo quy định, tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa,
Trừ ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông? (Hình từ Internet)
Cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có được chuyển nhượng cổ phần của mình không?
Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (khoản 2 Điều này được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) như sau:
Chào bán và chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.
2. Trong thời gian đang xử lý hậu quả theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước do trách nhiệm cá nhân, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được chuyển nhượng cổ phần, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) là đại diện theo ủy quyền của cổ đông tổ chức bị sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) bị buộc chuyển nhượng cổ phần theo quyết định của Tòa án;
...
Như vậy, theo quy định, đối với cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng thì không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.
Cổ đông phổ thông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có quyền lợi gì?
Căn cứ Điều 53 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định thì cổ đông phổ thông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có các quyền lợi sau đây:
(1) Tham dự và phát biểu ý kiến trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền;
Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
(2) Được nhận cổ tức theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
(3) Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong tổ chức tín dụng.
(4) Được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác.
(5) Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác.
(6) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ của tổ chức tín dụng, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
(7) Được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần sở hữu tại tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng giải thể hoặc phá sản.
(8) Được ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;
Người được ủy quyền không được ứng cử với tư cách của chính mình.
(9) Được ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc theo quy định của pháp luật nếu Điều lệ của tổ chức tín dụng không quy định.
Danh sách ứng cử viên phải được gửi tới Hội đồng quản trị theo thời hạn do Hội đồng quản trị quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vận động viên đe dọa xâm phạm sức khỏe tính mạng trong thi đấu thể thao có bị xử phạt hay không?
- Giới nghiêm là gì? Lệnh giới nghiêm trong hoạt động quốc phòng cần phải xác định những nội dung nào?
- Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước có số lượng người sử dụng bao nhiêu được xem là có quy mô rất lớn?
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?